Việt Nam rất "thông minh"
Trên tờ 112 (Ukraine), tác giả Oleksandr Okhrimenko đánh giá nền kinh tế Ukraine thật "đáng xấu hổ" dựa trên các số liệu kinh tế. Cụ thể, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 đã đạt tới 214 tỉ USD, trong khi Ukraine chỉ xuất khẩu được 43 tỉ USD vào cùng thời điểm.
Tác giả này tiếp tục lấy dẫn chứng từ năm 2006, khi Ukraine và Việt Nam cùng có giá trị xuất khẩu hàng hóa vào khoảng 38 tỉ USD. Nhưng sau thời điểm đó, nhiều sự kiện liên tục diễn ra đã thay đổi chiến lược của cả hai nước.
Năm 2015, nhờ không có các cuộc biểu tình và bạo loạn như Maidan (xảy ra ở Ukraine), Việt Nam kí một thỏa thuận khu vực thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU) - mà thực chất cũng tương tự như thỏa thuận Ukraine kí hồi năm 2014 theo Hiệp định Liên kết với EU.
Cùng lúc, Việt Nam đã rất "thông minh" khi kí một loạt thỏa thuận nhằm thành lập khu thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á Âu. Tác giả bài viết nhận định cách thức giao thương với nhiều quốc gia khác nhau của Việt Nam luôn đem lại lợi ích lớn hơn việc chỉ "cải cách trên danh nghĩa và mơ tưởng về tương lai tuyệt vời" như Ukraine.
Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 đã đạt tới 214 tỉ USD, trong khi Ukraine chỉ xuất khẩu được 43 tỉ USD vào cùng thời điểm. Ảnh: Pixabay
Ngoài ra, nhiều người Ukraine còn cho rằng việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Ukraine - mở nhà máy hay dây chuyền sản xuất mới - đều là thể hiện tinh thần "không yêu nước".
Xét trên nhiều khía cạnh, sự phát triển của hoạt động xuất khẩu Việt Nam đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho nhà đầu tư nước ngoài. Tới thời điểm hiện tại, tổng giá trị đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam là khoảng 295 tỉ USD. Tại Ukraine, con số này chỉ là 39 tỉ USD.
Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông là những nhà đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam. Đầu tiên phải xét tới công nghiệp đồ điện. Hiện tại, có khá nhiều đồ điện "Made in Vietnam" ở Ukraine, kể cả các sản phẩm đã được lắp ráp hoàn chỉnh hay chỉ là các bộ phận riêng lẻ.
Không mấy ngạc nhiên khi sản lượng xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đạt 39 tỉ USD trong khi của Ukraine chỉ là 1,4 tỉ USD. Tỉ lệ mặt hàng thực phẩm trong số hàng xuất khẩu cũng có khác biệt lớn: 40% đối với Ukraine và chỉ 13% đối với Việt Nam.
Cánh cửa cơ hội vẫn mở cho Ukraine
Thỏa thuận khu vực thương mại tự do của Ukraine với EU là bước tiến mở đường cho hoạt động đầu tư vào Ukraine khi quốc gia này không chỉ sản xuất được lương thực mà còn cả những thiết bị công nghệ cao như smartphone.
Tuy nhiên, theo bài viết, vấn đề với nền kinh tế ở đây là sự rối loạn và bất ổn. Mức thuế liên tục thay đổi, cải cách không ngừng được áp dụng, các bộ trưởng và người đứng đầu chính phủ dành nhiều thời gian hơn cho vấn đề chính trị chứ không phải phát triển kinh tế. Nền kinh tế Ukraine cần sự ổn định hơn là "những cuộc chiến chính trị".
Đã có nhiều thời kì các nhà đầu tư nước ngoài chủ động tới với Ukraine: giai đoạn năm 1996 đến 1998, năm 2002 đến 2008 và từ năm 2010 đến 2012.
Nhưng sau năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã ngừng làm điều đó bởi họ lo ngại tới một lúc nào đó sẽ buộc phải ngừng hoạt động do chính sách từ những nhà cầm quyền.
Tác giả nhận định tiềm năng của Ukraine là rất lớn và "không phải là chuyện đùa". Ukraine nằm gần EU và có nhiều cơ hội cộng tác với EU, Trung Quốc và thậm chí là cả Việt Nam để thành lập các doanh nghiệp và khu công nghiệp lớn ở Ukraine. Người dân Ukraine sẽ không còn cần phải sang nước ngoài để làm việc khi có thể kiếm được công việc tương tự ở Ukraine.
Có rất nhiều nền công nghiệp mới - từ dịch vụ công nghệ thông tin (IT) tới hậu cần (logistics) - để Ukraine hợp tác phát triển cùng EU, Trung Quốc, Nga và những nước khác. Tại thời điểm hiện tại, theo tác giả bài viết, Ukraine cần có những chính sách hợp lí hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, bắt kịp với các quốc gia châu Âu khác.