South China Morning Post nhận định, đến năm 2021, khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Brunei sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đoàn kết các quốc gia thành viên nhằm giải quyết những hậu quả kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của khu vực giai đoạn hậu Covid-19 cần được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của khối ASEAN.
Hiện nay, ASEAN có đủ tiềm năng tận dụng nền kinh tế số nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi. Năm 2019, nền kinh tế internet khu vực Đông Nam Á đạt 100 tỷ USD, tăng hơn gấp 3 lần về quy mô so với 4 năm trước đó. Dự kiến đến năm 2025, nền kinh tế internet của khu vực sẽ tăng lên 300 tỷ USD.
Đáng chú ý, Việt Nam, Indonesia là hai thị trường "hình mẫu" trong phát triển kinh tế internet khi tốc độ tăng trưởng đều hơn 40%/năm. Các nền kinh tế Internet của Malaysia, Thailand, Singapore và Philippines tăng trưởng từ 20-30%/năm.
Các quốc gia thành viên ASEAN cần hợp tác chặt chẽ để phát triển các chính sách hướng tới kích thích nền kinh tế số, bao gồm thúc đẩy đổi mới, khuyến khích sự gia nhập và tham gia từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trao quyền cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển và đầu tư trong tương lai.
Các luồng dữ liệu miễn phí xuyên biên giới rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế số nói riêng cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung. Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, trong hơn 1 thập kỷ qua, giá trị các dòng chảy thương mại xuyên biên giới đã đóng góp 10% GDP toàn cầu, đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014, trong đó luồng dữ liệu xuyên biên giới chiếm 2,8 nghìn tỷ USD.
Song, những hạn chế mà chính phủ một số quốc gia thành viên ASEAN đặt ra đối với dòng dữ liệu, điển hình như nội địa hóa dữ liệu, sẽ cản trở triển vọng tăng trưởng kinh tế bao trùm, cản trở đầu tư nước ngoài, đồng thời hạn chế cơ hội phát triển các doanh nghiệp trong nước.
Luồng dữ liệu miễn phí xuyên biên giới cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng cơ sở hạ tầng chung để đáp ứng nhu cầu khách hàng trên nhiều thị trường. Trên thực tế, nhiều chương trình hợp tác như Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN đã được ký kết cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các luồng dữ liệu xuyên biên giới này.
Tương tự, khung ASEAN về Quản trị dữ liệu số cũng là một cam kết đáng khích lệ về việc thiết lập các chính sách phù hợp cho dòng dữ liệu xuyên suốt, thúc đẩy sự đổi mới, đẩy mạnh thương mại số trong khu vực.
Các doanh nghiệp cần một sân chơi bình đẳng để hoạt động xuyên biên giới, đồng thời chính phủ các nước ASEAN cũng cần tận dụng các hiệp định thương mại số làm khuôn khổ để giải quyết các vấn đề chính sách chặt chẽ và nhất quán.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện đang dẫn đầu trong các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết những vấn đề thuế quốc tế phát sinh từ sự tăng trưởng của nền kinh tế số. Mục tiêu hiện nay đó là xây dựng một thỏa thuận dựa trên các nguyên tắc chính về tính trung lập, hiệu quả, chắc chắn và đơn giản giúp các doanh nghiệp phát triển và đầu tư mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại đến nền kinh tế, dẫn đến việc chính phủ các nước, điển hình như Indonesia đã đánh thuế kỹ thuật số đơn phương để bảo vệ nguồn thu ngân sách nhà nước. Các biện pháp đơn phương như vậy là rào cản hành chính bởi các doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế hai lần, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Việc áp dụng các quy tắc riêng đối với từng quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và kéo dài việc mở rộng thị trường của các doanh nghiệp. Do vậy, các quốc gia thành viên ASEAN trong tương lai cần tăng cường hợp tác hơn nữa, đưa nền kinh tế số là trung tâm chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực.