U20 Việt Nam là ứng viên vô địch giải châu Á còn U20 Trung Quốc không thể vượt qua vòng bảng?
Những màn trình diễn của U20 Việt Nam tại VCK giải U20 châu Á 2023 đang gây tốn rất nhiều giấy mực của truyền thông Trung Quốc. Các bài bình luận và phân tích về U20 Việt Nam xuất hiện với mật độ ngày càng dày trên các trang báo ở đất nước tỷ dân.
Đáng lưu ý, trong ngày 5/3, trang PP Sport của Trung Quốc đăng tải bài bình luận có tiêu đề: "Giải châu Á: U20 Việt Nam là ứng cử viên vô địch, sánh vai cùng Nhật Bản có thể vươn tầm thế giới, U20 Trung Quốc thì hết cơ hội". Bài viết này đưa ra quan điểm khá bất ngờ, cho rằng U20 Việt Nam chính là một trong những ứng viên sáng giá cho danh hiệu vô địch tại giải U20 châu Á 2023 đang diễn ra tại Uzbekistan.
"Cục diện tại giải U20 châu Á đã có sự thay đổi lớn và sự phân hóa giữa các đội ngày càng trở nên rõ ràng. Các đội mạnh ngày càng mạnh hơn trong khi các đội yếu đang cạn dần cơ hội. Điều này thể hiện ở việc các trận đã đấu luôn kết thúc với tỷ số thắng thua và không có trận hòa.
Điều quan trọng hơn là U20 Việt Nam đã trở thành ứng cử viên vô địch. Trong quá khứ, U20 Việt Nam từng không được đánh giá cao nhưng họ vẫn tiến bộ qua từng năm.
Báo Trung Quốc cho rằng U20 Việt Nam là ứng viên vô địch tại giải châu Á.
Tại bảng B vốn được coi là bảng tử thần, U20 Việt Nam đã vươn lên cực kỳ mạnh mẽ. Các cấp đội tuyển của họ đều đạt đẳng cấp hàng đầu châu Á. Chế độ đào tạo trẻ và lối chơi của họ đã bắt kịp với Nhật Bản, có thể vươn tầm thế giới.
Ở bảng đấu tử thần, U20 Việt Nam vẫn đang tỏ ra cực kỳ mạnh mẽ. Họ liên tiếp đánh bại 2 đội rất mạnh khác là U20 Australia Qatar.
Điểm mạnh của U20 Việt Nam rất giống với đội Nhật Bản. Họ có kỹ thuật đôi chân vượt trội, khả năng chuyền và triển khai bóng rất lợi hại. Các cấp độ đội tuyển của họ đã hình thành một lối chơi nhất quán mang bản sắc riêng và cầu thủ của họ có sự phối hợp rất ăn ý.
Ở bảng D, U20 Trung Quốc có thể hiện được chút hy vọng ở thời điểm đầu tiên nhưng điều đó đã tan biến nhanh chóng. Ở trận đấu gặp Nhật Bản, U20 Trung Quốc để đối phương tung ra tới hơn 20 cú dứt điểm. Tuy đang xếp thứ 3 tại bảng đấu sau loạt đầu tiên, trên Kyrgyzstan nhưng phải thừa nhận rằng thực lực của U20 Trung Quốc có thể nói là kém nhất bảng. Họ rất có thể sẽ tiếp tục thua khi đối đầu Saudi Arabia và Kyrgyzstan.
Xác suất để U20 Trung Quốc có thể đứng nhì bảng là cực thấp. Saudi Arabia đang là đương kim vô địch, trong khi Kyrgyzstan cũng có thực lực rất mạnh".
Từ đội U20, có thể thấy bóng đá Việt Nam và Trung Quốc khác nhau thế nào?
Trang Sohu sáng 6/3 lại có bài bình luận với tiêu đề: "U20 Việt Nam thắng 2 trận liên tiếp. Khoảng cách phát triển bóng đá giữa Trung Quốc và Việt Nam lớn như thế nào?". Theo bài viết này thì bóng đá Việt Nam mạnh hơn Trung Quốc ở hầu hết mọi cấp độ đội tuyển và điều này đặt ra một bài toán cho ngành thể thao Trung Quốc.
Tờ báo Trung Quốc bình luận: "U20 Việt Nam đã thể hiện xuất sắc ở giải U20 châu Á khi đánh bại cả 2 đội mạnh là Australia và Qatar. Điều này khiến người ta tự hỏi, khoảng cách về trình độ phát triển giữa bóng đá Trung Quốc và Việt Nam lớn đến mức nào?
Nếu nhìn vào lịch sử, bóng đá Trung Quốc từng dự World Cup 2002 nhưng sa sút rất mạnh kể từ đó. Sự phát triển của bóng đá Việt Nam tương đối muộn. Năm 1991 họ mới bắt đầu tham gia AFC. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam đang có sự phát triển rất mạnh trong những năm gần đây. Giờ đây, bóng đá Việt Nam đã phát triển hơn Trung Quốc ở hầu hết mọi cấp độ ĐTQG.
Theo Sohu thì thông qua đội U20 có thể thấy sự khác biệt giữa bóng đá Việt Nam và Trung Quốc.
Sự khác biệt dẫn đến sự thụt lùi của Trung Quốc và sự vươn lên của Việt Nam, có lý do quan trọng bắt nguồn từ công tác đào tạo trẻ, khi Việt Nam phát triển triển lược đào tạo trẻ rất tâm huyết. Bóng đá Việt Nam có những bước tiến vượt bậc về công nghệ và đào tạo bóng đá trẻ.
Sự phát triển của bóng đá Việt Nam còn được hưởng lợi từ việc mặt bằng chung của bóng đá châu Á được cải thiện, giúp Việt Nam có nhiều cơ hội rèn luyện bản thân ở nhiều giải đấu khác nhau, đồng thời phát triển đào tạo trẻ, tuyển chọn nhân tài cũng như nhiều vấn đề liên quan khác.
Nhìn chung, khoảng cách giữa bóng đá Trung Quốc và Việt Nam tồn tại ở mức độ nhất định, nhưng không phải không thể vượt qua. Bóng đá Trung Quốc cần tăng cường xây dựng về nhiều mặt, đặc biệt là đào tạo trẻ. Ngành thể thao, doanh nghiệp và nhiều thành phần xã hội cần cùng nhau hỗ trợ, đóng góp nhiều hơn nữa để bóng đá Trung Quốc vươn mình trở lại trong tương lai. Kinh nghiệm thành công của bóng đá Việt Nam cũng rất đáng học hỏi với bóng đá Trung Quốc".