EAFF Cup 2019 đã khép lại vào tối 18/12 với chức vô địch thuộc về Hàn Quốc và ngôi á quân cho Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ xếp thứ 3, trên đội bét bảng Hong Kong (TQ).
Kết quả này cùng với màn trình diễn thất vọng của đội nhà đã khiến truyền thông Trung Quốc không khỏi cảm thấy thất vọng. Trên trang Sina Sport vào sáng 19/12 đã đăng tải bài viết tổng kết lại EAFF Cup 2019 của tuyển Trung Quốc với những chỉ trích khá nặng nề.
"Tuyển Trung Quốc đã đánh bại Hong Kong với tỉ số 2-0 để giành vị trí thứ 3 tại EAFF Cup 2019. Sau khi Ji Xiang mở tỉ số, HLV Li Tie đã ăn mừng vô cùng cuồng nhiệt. Nó không giống như một bàn thắng ở cúp Đông Á mà cứ như thể Trung Quốc vừa ghi bàn ở World Cup vậy. Rồi đến khi Zhang Xianzhe thực hiện cú đá phạt định đoạt trận đấu, dễ dàng nhận thấy các thành viên của tuyển Trung Quốc đều thở phào nhẹ nhõm.
Tâm trạng của HLV Li Tie và các học trò không hề khó hiểu. Ông ấy có thể coi là HLV của ĐT Trung Quốc đáng xấu hổ nhất và EAFF Cup 2019 cũng là giải đấu đáng xấu hổ nhất đối với họ", Sina mở đầu bài viết một cách gay gắt.
Để chứng minh cho luận điểm của mình, tác giả phân tích: "Hàn Quốc và Nhật Bản không hề cử đội hình mạnh nhất nhưng họ vẫn đủ sức chơi vượt trội trước Trung Quốc. Với Nhật Bản chỉ là đội Olympic chuẩn bị cho Thế vận hội vào năm sau, còn Hàn Quốc cũng không có các cầu thủ đang chơi ở châu Âu.
Về độ tuổi trung bình, cầu thủ Trung Quốc nhiều hơn Nhật Bản 5 tuổi, hơn Hàn Quốc 3 tuổi, nhưng họ hoàn toàn không phải là đối thủ của hai đội bóng này. Đừng nhìn vào cách biệt 1 bàn thua ở mà nghĩ rằng Trung Quốc chơi tốt. Trên thực tế, mọi chỉ số từ kiểm soát bóng đến dứt điểm cầu môn chúng ta đều bị lép vế.
Ngay cả trận với Hong Kong, 2 bàn thắng cũng đều đến từ các tình huống cố định. Điều này không đơn giản chỉ đổ lỗi cho HLV Li Tie là xong. Đội tuyển Trung Quốc dự giải đấu này được thành lập một cách vội vàng và có những cầu thủ còn chưa từng chơi trận nào cho ĐTQG".
Sina tiếp tục: "Khi Lippi từ chối dẫn dắt ở EAFF Cup, người ta nói rằng do giải đấu này không có trong điều khoản hợp đồng. Người ta lúng túng không biết tìm giải pháp thay thế ra sao. Trung Quốc sẽ chơi với đội hình nào, ai dẫn dắt?
Trong trường hợp như thế, phương án dùng đội U23 Trung Quốc tham dự cũng có thể coi là hợp lý. Đội sẽ dự VCK U23 châu Á vào tháng 1/2020, vậy nên đá EAFF Cup để coi như một cuộc tập dượt và chuẩn bị cũng là một phương án tốt.
Có điều vào tháng 9 vừa qua, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) lại vừa mới sa thải HLV Hiddink sau hơn 1 năm làm việc. Điều này khiến đội U23 phải tái thiết lại từ đầu với HLV Hao Wei. Mọi thứ còn quá ngổn ngang và nếu U23 Trung Quốc thua tan tác ở EAFF Cup, niềm tin chắc chắc sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Như thế thì sao mà có thể tranh vé đi Olympic ở VCK U23 châu Á được.
HLV Li Tie không thể tạo ra phép màu với những gì có trong tay và thời gian chuẩn bị ít ỏi.
ĐTQG không thể tham dự, đội U23 cũng không nốt, phải làm sao bây giờ? Vậy là một đội tuyển Trung Quốc B chắp vá đã được thành lập để đến Hàn Quốc đá giải. Và sau màn trình diễn vừa rồi, chắc họ cũng chẳng bao giờ có cơ hội để tham dự giải đấu quốc tế nào cấp đội tuyển nữa. Nó chẳng mang lại giá trị nào cả, khi đội chỉ đến để tham gia rồi về.
Giải đấu này giống như một phép thử cho khả năng liệu Li Tie có thể thay thế Lippi ngồi vào ghế HLV trưởng tuyển Trung Quốc hay không. Nhưng rồi nó đã chẳng đi tới đâu với một đội hình như vậy.
HLV Li Tie chắc hẳn cảm thấy rất bối rối và CFA có lẽ cũng vậy. Mớ hỗn độn của bóng đá Trung Quốc, liệu ai sẽ gánh vác nổi đây?", Sina kết lại với một câu hỏi đầy trăn trở.