Từ bỏ mặc đến bảo vệ Đài Loan
Sau đợt tấn công Kim Môn lần đầu tiên thất bại, kế hoạch vượt biển của quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tạm ngưng cho đến khi chiến dịch giải phóng đảo Hải Nam được phát động vào mùa Xuân năm 1950.
Sau khi quân đội Trung Quốc giải phóng thành công Hải Nam trong vòng một tháng rưỡi, Tưởng Giới Thạch đã lo lắng việc Bắc Kinh có thể tấn công Đài Loan.
Trước tình hình đó, dư luận Mỹ ngày càng chỉ trích chính sách viện trợ cho Tưởng của chính phủ đương nhiệm khiến Tổng thống Mỹ Harry S. Truman bắt đầu tính đến việc bỏ mặc Tưởng.
Mất đi chỗ dựa của Mỹ, Tưởng Giới Thạch bèn đích thân đến gặp Lý Thứ Bạch – học viên những khóa đầu tiên của trường quân sự Hoàng Phổ (Quảng Châu) - nơi Tưởng từng làm Hiệu trưởng.
Tưởng nhờ Bạch thông qua em rể là tướng Trần Nghị để bày tỏ thiện chí muốn hợp tác lần nữa với Mao Trạch Đông và thuyết phục họ tạm thời hòa hoãn với Đài Loan.
Sau cuộc gặp, Lý Thứ Bạch nhanh chóng thu xếp và gặp được Trần Nghị vào thượng tuần tháng 6/1950. Tại đây, Trần Nghị đã tiết lộ: “Bắc Kinh chưa vội tấn công Đài Loan”.
Theo Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), khi Tưởng vừa nhận được thông tin trên thì cũng đúng lúc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ (25/6/1950).
Hai ngày sau chiến tranh, Tổng thống Truman cử Hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan do tầm quan trọng của eo biển này đối với chiến lược của Washington tại châu Á – Thái Bình Dương.
Theo đó, Nhà Trắng đã thay đổi chính sách với Đài Loan, từ “bỏ mặc” quay sang “bảo vệ”. Theo sau đó là các đợt viện trợ kinh tế và quân sự tới hòn đảo này được khôi phục với mục đích tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc.
Trước thông tin này, Tưởng Giới Thạch liền thông báo cho Lý Thứ Bạch không nhắc tới chuyện hợp tác với Bắc Kinh nữa.
Mâu thuẫn sâu sắc, kế hoạch hủy bỏ
Theo Nhân dân nhật báo, Tổng thống Truman từng có ý định tấn công phủ đầu Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Onward State)
Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, cả Trung Quốc và Mỹ đều tập trung sức mạnh vào chiến trường này khiến cho tình hình eo biển Đài Loan tạm thời yên ổn.
Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến này tạm thời kết thúc với Hiệp định ngừng bắn (năm 1953), Mỹ liền ký với Đài Loan Hiệp ước phòng thủ chung nhằm kiềm chế Trung Quốc và xây dựng hệ thống phòng thủ an ninh tập thể tại châu Á – Thái Bình Dương; đồng thời tìm cách cách cắt đứt quan hệ hai bờ.
Tháng 7/1954, Mao Trạch Đông yêu cầu Thủ tướng Chu Ân Lai lúc này đang tham dự Hội nghị Genève phải khẩn trương khẳng định lập trường của Trung Quốc rằng, "Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và nhất định sẽ được giải phóng".
Tháng 1/1955, Bắc Kinh tấn công thành công đảo Nhất Giang Sơn khiến hơn 1000 binh lính trong quân đội của Tưởng tại đây chịu thương vong.
Trước tình hình này, Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ sớm tấn công Đài Loan nên liền họp Quốc hội thông qua Nghị quyết Formosa 1955, chủ trương tăng cường hỗ trợ Quốc dân đảng phòng vệ Đài Loan. Đồng thời, tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như sẽ tấn công phủ đầu Đại lục. Tình hình eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên do một số mâu thuẫn phát sinh, chính phủ Mỹ tiến hành giải pháp "biến Đài Loan trở thành phần lãnh thổ mà Đại lục không thể thu hồi" thay vì trực tiếp tham chiến tại Đài Loan.
Vì thế, Mỹ kêu gọi Tưởng Giới Thạch bỏ các đảo Kim Môn, Mã Tổ gần với Đại Lục, qua đó, ngăn cách vị trí địa lý và quan hệ giữa hai bờ bằng vùng biển rộng lớn tạo điều kiện cho việc biến Đài Loan thành vùng lãnh thổ chưa phân định.
Tuy nhiên, chiến lược này của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của Tưởng khi Tưởng tăng cường quân đội trấn thủ tại các đảo này. Cuối cùng, Tổng thống Truman đành tuyên bố cùng Đài Loan bảo vệ khu vực này.
Theo báo Trung Quốc, sau quyết định về vấn đề Đài Loan, Mỹ đã phải chịu sự chỉ trích của các đồng minh khi để căng thẳng hai bờ leo thang, hơn nữa Tưởng Giới Thạch lại tăng cường kêu gọi phản công đại lục khiến cho kế hoạch chia cắt hai bờ của Mỹ gần như phá sản.
Tờ này còn cho hay, đồng thời nhận thấy những vấn nạn tham nhũng trầm trọng của chính quyền Tưởng Giới Thạch, Mỹ đã lên kế hoạch lật đổ Tưởng Giới Thạch.
Về phía Tưởng, dù nhận ra mục đích của Mỹ nhưng do thực lực không đủ nên Tưởng không dám công khai đối đầu với Mỹ, đành âm thầm chờ thời cơ.
Đến năm 1957, nhân cớ Thiếu tá quân đội thuộc Quốc dân đảng Lưu Tự Nhiên được cho bị một cố vấn Mỹ bắn chết, Tưởng Kinh Quốc đã tấn công văn phòng đại diện của Mỹ tại Đài Bắc và phát hiện được một loạt văn kiện nói về chính sách bỏ mặc Tưởng.
Mâu thuẫn giữa Mỹ và Quốc dân đảng do đó càng trở nên sâu sắc.