Bắc Kinh chiếm ưu thế hơn Đài Loan
Bắt đầu từ sáng ngày 18/9, quân đội Trung Quốc (PLA) đã tổ chức cuộc diễn tập thực chiến quy mô lớn gần eo biển Đài Loan. Phía Đài Loan nói rằng, 18 máy bay chiến đấu của PLA đã tiến vào khu vực nhận dạng phòng không phía tây nam và phía tây của đảo này theo nhiều đợt, bao gồm 2 máy bay chiến đấu H-6K, 8 máy bay chiến đấu J-16, 4 máy bay chiến đấu J-11 và 4 máy bay chiến đấu J-10.
Đài Loan cũng đã ngay lập tức triển khai động thái ứng phó. Theo đó, từ 7-11 giờ sáng ngày 18/9, máy bay chiến đấu Đài Loan mang đạn thật đã 17 lần xuất kích, cũng trong thời gian này F-16 mang tên lửa tại căn cứ Hoa Liên đã 3 cất cánh. Mỗi máy bay được gắn 2 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 và 2 tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9, các máy bay chiến đấu trực ban và máy bay chiến đấu dự bị đều xuất kích, lập kỷ lục cao nhất ở căn cứ Hoa Liên. Hơn nữa, nhiều F-16 được đưa vào trạng thái chờ lệnh trong khi nhiều tên lửa phòng không cũng được chuyển sang trạng thái theo dõi.
Tờ Guancha (Trung Quốc) cho biết, ngoài F-16 xuất phát từ Hoa Liên thì chiến đấu cơ của Đài Loan từ các căn cứ Tân Trúc, Gia Nghĩa, Thanh Tuyền Cảng, Đài Nam cũng có thể đã được điều động. Tuy nhiên, tờ này đánh giá rất thấp sức mạnh của chiến đấu cơ Đài Loan. Ví dụ, báo Trung Quốc ví von rằng, Ching-kuo IDF của Thanh Tuyền Cảng nếu bị J-11 và J-16 của PLA áp sát thì IDF sẽ giống như Tây Môn Khánh gặp phải Lỗ Trí Thâm.
Tờ này nhận định, việc điều động 18 máy bay không báo trước là điều hoàn toàn bình thường đối với PLA và khi cần thiết có thể điều động nhiều hơn nữa.
Từ những năm 1990, eo biển Đài Loan đã là hướng chiến lược chính của Trung Quốc với những bước đi lâu dài, sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ, PLA ở các khu vực phía đông và phía nam đã có ưu thế vượt trội so với Đài Loan về số lượng binh lính, trang thiết bị vũ khí.
Căn cứ không quân Mỹ Anderson. Ảnh: defpost.com
Sức mạnh đến từ quân đội Mỹ
"Từ lâu, Đài Loan đã không thể chỉ dựa vào sức mạnh quân sự của mình để ngăn chặn PLA thống nhất bằng vũ lực. Đài Loan không đủ sức mạnh để đối đầu PLA mà sức mạnh đó đến từ quân đội Mỹ, đặc biệt là không quân Mỹ. Tuy nhiên, các căn cứ của không quân Mỹ gần Đài Loan nhất lại rất xa", Guancha viết.
Bởi một số trong số đó không phù hợp với các hoạt động tác chiến trên không quy mô lớn, chẳng hạn căn cứ không quân Futenma chỉ có một đường băng dài 2.700m, chủ yếu hỗ trợ trực thăng. Vì lý do chính trị, Osan và Gunsan của Hàn Quốc có thể không được sử dụng cho các hoạt động tác chiến trên eo biển Đài Loan. Ngoại trừ Anderson ở đảo Guam, tất cả các căn cứ của Mỹ đều nằm trong phạm vi của tên lửa Đông Phong 16 và 17, Anderson nằm trong phạm vi của Đông Phong 26.
Theo Guancha, lực lượng không quân của Mỹ cũng có các vấn đề về sức chứa cơ bản. Kadena có thể triển khai một liên đội (dự tính là 72 máy bay), căn cứ Misawa 1 liên đội, Anderson 1.5 liên đội, cùng với hai tàu sân bay có thể tương đương với 1 liên đội, do đó không quân và hải quân Mỹ có 4.5 liên đội có thể tác chiến ở eo biển Đài Loan.
Chiến sự leo thang, các căn cứ Kadena, Misawa và Anderson, Yokota, Futenma và Iwakuni kết hợp lại có thể nâng tổng số liên đội lên con số 6. Nếu cần, có thể bổ sung thêm hai tàu sân bay trên biển, tương đương với việc triển khai thêm 1 liên đội.
Theo cách này, tổng lực lượng không quân hiện có ở eo biển Đài Loan là 8 liên đội với 576 máy bay chiến đấu. Nhưng mật độ triển khai dày đặc như vậy thì rất bất tiện. Nếu Anderson có thể chứa được 5 trung đội máy bay chiến đấu (khoảng 1,7 liên đội) thì cần 68 máy bay tiếp dầu, mỗi máy bay tiếp dầu chiếm chiếm diện tích ít nhất gấp đôi các máy bay chiến đấu, do đó Anderson không có không gian để triển khai máy bay ném bom.
Nhưng Anderson là một căn cứ lý tưởng để triển khai B-1, B-2 và B-52. Trong điều kiện triển khai đông đúc như vậy, một số lượng lớn các bãi đậu lộ thiên rất dễ thu hút các cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc. Đặc biệt là đối với Anderson, nếu một số lượng lớn máy bay tiếp dầu bị tiêu diệt thì máy bay chiến đấu sẽ không đủ nhiên liệu để đi đến eo biển Đài Loan.
Tất nhiên, giả thiết này chưa xét đến các căn cứ không quân và sân bay dân dụng của Philippines và Nhật Bản. Các sân bay Philippines trong thời chiến không được đảm bảo và cần có thời gian để chuyển đổi từ dân sự sang quân sự, cần được bảo trì, xây dựng cơ sở đạn dược. Cuộc chiến eo biển Đài Loan ngắn ngủi và khốc liệt không nhất định cho Mỹ thời gian chuẩn bị.
Trong khi đó theo Guancha, PLA có 39 căn cứ không quân cách Đài Bắc trong phạm vi 800 km. Đặc biệt, không quân PLA không bị hạn chế về vị trí địa lý và sức chứa của các căn cứ. Căn cứ miền đông và miền nam Trung Quốc có thể tập kết ít nhất 1.000 máy bay chiến đấu và có thể huy động thêm nếu cần thiết.