Đồng hồ ngày tận thế đang gần đến 12 giờ hơn bao giờ hết, nhưng ngày càng có nhiều quốc gia trong thế giới hiện đại đang nỗ lực để có được vũ khí hạt nhân của riêng mình. Vì vậy, theo giới chuyên gia, thế giới cần khẩn trương có biện pháp để kiềm chế.
Theo SRF, các cường quốc đã từng hạn chế vũ khí hạt nhân sau khi bom hạt nhân được thả xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Các nhà khoa học hạt nhân vào năm 1947 đã phát minh ra đồng hồ Ngày tận thế, một biểu tượng cho thấy thế giới còn lại bao nhiêu phần trước một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ngày nay, kim đồng hồ được đóng băng gần với mốc này hơn bao giờ hết.
Khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đắc cử, ông được hỏi trên một trong các kênh truyền hình Mỹ liệu ông có lo sợ xung đột hạt nhân hay không, ông Biden trả lời sau một thời gian dài trì hoãn: “Có. Tình hình đang bị đe dọa”. Ông Biden cũng lưu ý rằng ông lo lắng “ai đó sẽ đánh giá sai tình hình và bất ngờ sử dụng bom hạt nhân”.
Trước những nguy cơ ngày càng gia tăng từ vũ khí hạt nhân, thế giới cần có hành động khẩn cấp để bảo đảm loại bỏ vũ khí hạt nhân và ngăn chặn những hậu quả thảm khốc. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các nước tham gia Hiệp ước của Liên Hợp Quốc cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/1/2021, sau khi 50 quốc gia thành viên đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10/2020.
Tuy nhiên, cho đến nay, chính những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã không chú ý đến Hiệp ước này. Ngược lại, họ đang tích cực xây dựng vũ khí thay vì giảm bớt chúng.
Bản thân Tổng thống Mỹ Biden cũng không ủng hộ việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn. Mỹ đang đầu tư hàng tỉ USD vào vũ khí hạt nhân tiên tiến. Điều tương tự cũng được thực hiện bởi Nga, nước duy nhất ngang hàng với Mỹ về tiềm lực hạt nhân.
Tuy nhiên, cả hai nước vào thời điểm cuối cùng đã gia hạn Hiệp ước về các biện pháp cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3). Trong khi đó, Trung Quốc, nước tuyên bố không tìm kiếm sự thống trị thế giới, cũng đang tích cực chế tạo vũ khí hạt nhân. Ấn Độ và Pakistan cũng đang làm như vậy, tiếp theo là Triều Tiên.
Ngày càng nhiều chuyên gia cho rằng trong những năm tới vòng tròn các cường quốc hạt nhân sẽ mở rộng. Rất có thể Iran và Saudi Arabia sẽ tham gia. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng chiến thuật “gây áp lực tối đa” để chống lại Tehran, do đó Iran đang tiến gần đến việc chế tạo bom hạt nhân hơn bao giờ hết.
Giờ đây, Washington đang cho Tehran biết rằng họ muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, cả hai bên đều yêu cầu bên kia thực hiện bước đầu tiên và để đạt được thỏa hiệp, các bên cần phải hành động song song.
Trong trường hợp của Triều Tiên, không thể tưởng tượng nổi khi tin rằng nhà lãnh đạo của nước này sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia nhận định, kết quả tốt nhất mà Washington có thể đạt được ở đây là đồng ý hạn chế kho vũ khí của Triều Tiên.
Mỹ và Nga, cùng sở hữu 90% tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới, có thể thực hiện các bước giải trừ vũ khí quan trọng mà không ảnh hưởng đến tiềm năng răn đe của hai bên. Theo SRF, dưới thời ông Biden, Mỹ có thể đưa ra sáng kiến thích hợp.
Các chuyên gia của SRF tin rằng Nga, quốc gia có tình hình kinh tế không cho phép chế tạo vũ khí với tốc độ cao, có thể đồng ý với một bước đi như vậy. Tuy nhiên, giữa bầu không khí không tin tưởng lần nhau, kết quả của tình huống này vẫn không thể đoán trước.
Ngoài ra, Mỹ chắc chắn muốn đưa Trung Quốc tham gia vào các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới, nhưng Bắc Kinh kiên quyết từ chối các sáng kiến như vậy. Theo các chuyên gia, Trung Quốc có lý do của điều đó, vì nước này không có vũ khí hạt nhân tầm xa nào đáng kể.
Do đó, Bắc Kinh đang tích cực xây dựng tiềm lực quân sự tầm trung. Đồng thời, giới chuyên gia cũng nhận định, Trung Quốc càng được trang bị vũ khí mạnh thì càng “hung hãn”, và đồng nghĩa với việc Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ càng sớm muốn có được vũ khí hạt nhân của riêng mình. Về công nghệ, các nước này có thể sản xuất trong thời gian ngắn.
Tất cả những điều này sẽ được thảo luận vào mùa hè tại một hội nghị đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1970. Thỏa thuận cam kết các cường quốc hạt nhân giải trừ quân bị và sẽ ngăn chặn các quốc gia mới mua vũ khí hạt nhân.
SRF cảnh báo, tiến bộ trong lĩnh vực này hiện đang rất cần thiết vì cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đang diễn ra rất sôi nổi.
Hiệp ước của Liên Hợp Quốc cấm vũ khí hạt nhân được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 7/7/2017 với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên. Đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên cấm việc phát triển, thử nghiệm, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân.
Với việc Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước này vào tháng 10/2020, Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương đầu tiên trong hơn hai thập kỷ hội đủ điều kiện cần thiết để có hiệu lực sau 90 ngày.
Giáo hoàng Francis cho rằng, TPNW “là công cụ quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên nghiêm cấm rõ ràng những loại vũ khí này. Việc sử dụng bừa bãi những vũ khí hạt nhân ảnh hưởng đến nhiều người trong thời gian ngắn và sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho môi trường”.