Địa Trung Hải nóng rực, Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp đối đầu nghẹt thở: Pháp sẽ tham chiến?

Trà Khánh |

Tờ Daily Sabah cho rằng Hy Lạp sẽ đơn độc trong cuộc chiến với Ankara trên Địa Trung Hải bởi không nước châu Âu nào muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một bài bình luận mới đây trên tờ Daily Sabah có tựa đề "How Greece can win in the Eastern Mediterranean?" tạm dịch "Làm thế nào Hy Lạp có thể giành chiến thắng ở Đông Địa Trung Hải?", cây bút Yahya Bostan cho rằng cơ hội không đồng minh nào của Anthens có thể cứu được họ trong một cuộc đối đầu quân sự với người Thổ trên Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ "lưỡng đầu thọ địch" ở Địa Trung Hải

Cũng theo Yahya Bostan, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cuốn vào hai cuộc khủng hoảng có thể dẫn tới đối đầu về mặt quân sự ở Địa Trung Hải khi căng thẳng giữa Ankara với Hy Lạp, hay ở chiến trường Libya bị đẩy lên cao dưới sự tác động của một số thế lực thù địch.

Trong đó, căng thẳng giữa Ankara và Athens chủ yếu xoay quanh tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và các vùng biển chung ở phía Đông Địa Trung Hải.

Sở dĩ, Ankara tỏ thái độ cứng rắn hơn với Anthens trong thời gian gần đây là vì Hy Lạp, Cộng hòa Síp (gốc Hy Lạp) và Italy bắt đầu các dự án thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng biển đang có tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Cộng hòa Bắc Síp (gốc Thổ Nhĩ Kỳ).

Để đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một bản ghi nhớ (MOU) với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) về việc thiết lập ranh giới mới trên Địa Trung Hải ở vùng biển tương ứng giữa hai nước.

Địa Trung Hải nóng rực, Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp đối đầu nghẹt thở: Pháp sẽ tham chiến? - Ảnh 2.

Trong vùng đỏ là khu vực vùng biển phía Đông Địa Trung Hải được Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ GNA của Libya phân chia lại, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực. Ảnh: Basın İlan Kurumu.

Về cơ bản thỏa thuận trên giúp Ankara kiểm soát toàn bộ vùng biển mà Hy Lạp và Cộng hòa Síp tuyên bố chủ quyền trước đó. Hành động này của người Thổ có thể sẽ kéo cả Anthens vào cuộc xung đột Libya.

Tuy nhiên, để có thể biến bản ghi nhớ trên thành một thỏa thuận chính thức, Thổ Nhĩ Kỳ cần có một chính quyền hợp pháp ở Lybia, đây là một trong nhiều lý do khiến Ankara dốc sức hỗ trợ GNA trong cuộc chiến chống lại Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar.

Theo nhận định của Yahya Bostan, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia có lợi ích ở Đông Địa Trung Hải nhiều khả năng sẽ được giải quyết dứt điểm thông qua thành bại của cuộc chiến ở Libya vốn đang dần trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các nước lớn trong khu vực.

Hiện tại, lực lượng GNA đang được hậu thuẫn bởi Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu, trong khi đó quân đội của tướng Haftar được Nga, Ai Cập, UAE hỗ trợ. Trong bối cảnh hiện tại, Hy Lạp và Pháp có thể sẽ đứng hẳn về phía LNA nhằm ngăn cản Ankara có được thỏa thuận phân chia lại vùng biển Đông Địa Trung Hải với Libya.

Sau cuộc chiến ở Tripoli (tháng 6/2020), lợi thế đang nghiên hẳn về phía GNA lẫn lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời quân của tướng Haftar bị đẩy về phía Sirte. Cuộc đối đầu giữa các bên ở thành phố Sirte cũng được xem là trận đánh quyết định tương lai của Libya.

Đánh nhau với Ankara, Hy Lạp nắm chắc thất bại

Theo cây bút Yahya Bostan, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong tranh chấp vùng EEZ khó có thể hạ nhiệt khi cả hai đều đang theo đuổi những mục tiêu riêng, bất chấp sự can thiệp của liên minh châu Âu (EU).

Thậm chí, đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng ra làm trung gian cho một cuộc đàm phán hợp tác khai thác dầu khí chung giữa hai nước ở vùng biển tranh chấp, thế nhưng Ankara và Anthens đều tỏ ra không mặn mà với đề xuất này.

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi Hy Lạp cũng bố một thỏa thuận mới về phân định lại vùng EEZ với Ai Cập ở Đông Địa Trung Hải. Ankara nổi giận với thông tin trên, đồng thời từ bỏ mọi đề xuất hợp tác thăm dò dầu khí với Anthens.

Địa Trung Hải nóng rực, Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp đối đầu nghẹt thở: Pháp sẽ tham chiến? - Ảnh 3.

Tàu thăm dò dầu khí Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Greek City Times.

Ngay sau sự kiện trên, Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu thăm dò Oruc Reis quay trở lại Địa Trung Hải, Ankara còn điều động cả hải quân và không quân vào vệ tàu thăm dò này.

Về phần Hy Lạp, họ tuyên bố đã sẵn sàng cho chiến tranh.

Tuy nhiên, theo Yahya Bostan, Anthens thiếu tiềm lực quân sự, kinh tế lẫn ảnh hưởng chính trị để có thể đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có thể thấy rõ qua cuộc đụng độ mới đây giữa tàu chiến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ khi tàu của Anthens cố gắng ngăn cản hoạt động của tàu Oruc Reis trên Địa Trung Hải.

Trước những thực tế đó, Hy Lạp tìm cách vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là EU nhằm chống lại các hành động ngang ngược của người Thổ.

Ở thời điểm hiện tại chỉ mới có Pháp lên tiếng sẽ bảo vệ Hy Lạp trước sự hung hăng của Ankara bằng việc triển lực lượng hải quân tới Địa Trung Hải, cùng với đó là các hoạt động quân sự chung với Hải quân Hy Lạp trong khu vực. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra không quan tâm tới sự can thiệp của Paris.

Theo Yahya Bostan, sở dĩ Ankara phớt lờ sự can dự của Pháp vào tình hình Địa Trung Hải là vì người Thổ hiểu rõ Paris hay bất cứ quốc gia nào ở châu Âu đều không muốn một cuộc đối đầu quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng có thể sẽ leo thang nhưng nó khó có thể chuyển thành xung đột vũ trang.

Không có sự trợ giúp từ bên ngoài, Hy Lạp gần như nắm chắc thất bại nếu đối đầu quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải.

Cây bút Yahya Bostan cho rằng, chính quyền Hy Lạp hoàn toàn có thể kiềm chế xung đột ở Địa Trung Hải bằng việc đối thoại với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại