Báo Thổ Nhĩ Kỳ: Armenia - Azerbaijan leo thang căng thẳng, Nga ở đâu?

Trà Khánh |

Theo Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Nga là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến cuộc xung đột giữa Armenia - Azerbaijan.

Trong một bài viết mới đây về cuộc xung đột biên giới giữa Azerbaijan và Armenia, tờ TRT Haber của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Nga là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến cuộc đối đầu quân sự kéo dài hàng thập niên qua giữa hai quốc gia Tây Nam Á này.

Trả lời phỏng vấn TRT Haber, ‪Mehmet Çağatay Güler - chuyên gia chính sách đối ngoại thuộc Quỹ nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội (SETA) của Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, vùng Kavkaz (khu vực nằm giữa châu Âu và châu Á) mà Azerbaijan - Armenia đóng vai trò trung tâm có ý nghĩa địa-chính trị cực kỳ quan trọng đối với Điện Kremlin. 

Mối quan hệ giữa Nga và Azerbaijan hay với Armenia luôn được Moscow duy trì ở trạng thái cân bằng, họ không ngã về bất cứ bên nào. Việc bán vũ khí cho cả hai bên cũng giúp người Nga gia tăng đáng kể ảnh hưởng cho khu vực.

Báo Thổ Nhĩ Kỳ: Armenia - Azerbaijan leo thang căng thẳng, Nga ở đâu? - Ảnh 1.

Việc bán vũ khí cho cả hai bên giúp Nga không ngừng gia tăng ảnh hưởng ở cả Azerbaijan và Armenia. Ảnh: Eurasianet.

Theo TRT Haber, hơn một nửa kho vũ khí của Quân đội Azerbaijan là mua từ Nga, các hợp đồng vũ khí với Baku mang lại cho Moscow nguồn thu lớn, kèm với đó là cả ảnh hưởng chính trị. 

Cách Nga duy trì ảnh hưởng của mình ở Armenia cũng tương tự, tuy nhiên Moscow lại có căn cứ quân sự ở quốc gia này. Hiện tại, Quân đội Nga đang duy trì ít nhất 3.000 quân tại căn cứ Gyumri, nằm cách thủ đô Yerevan chưa tới 2 giờ lái xe.

Theo như quan điểm của chuyên gia Mehmet Çağatay Güler, sở dĩ Moscow duy trì hàng nghìn binh sĩ ở Armenia là nhằm ngăn Thổ Nhĩ Kỳ giúp Azerbaijan tấn công Yerevan.

Việc xung đột Azerbaijan - Armenia tiếp tục "nóng" khiến người Nga duy trì được ảnh hưởng chính trị, quân sự và kinh tế lên các nước thuộc vùng Kavkaz.

Một lý do khác quan trọng không kém đó là Moscow muốn ngăn chặn các phương Tây, đặc biệt là liên minh quân sự NATO mở rộng ảnh hưởng xuống các nước thuộc vùng Kavkaz, khu vực vốn được xem là "sân sau" của Nga sau khi Liên Xô tan rã. Cuộc chiến tranh Nam Ossetia 2008 đã cho thấy rõ quan điểm của Moscow về việc ai mới là người kiểm soát vùng Kavkaz.

Về cơ bản xung đột Azerbaijan - Armenia khó có thể chuyển thành một cuộc chiến tranh tổng lực, bởi đây không phải là đầu tiên hai quốc gia này có các cuộc đối đầu quân sự như những ngày qua. Tuy nhiên, rất khó để nói điều gì sẽ xảy ra khi cả hai bên đều tỏ rõ thái độ không thỏa hiệp về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Azerbaijan và Armenia vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hàng thập niên liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh sau khi Liên Xô tan rã. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Lực lượng pháo binh Azerbaijan tấn công phá hủy các vị trí của quân đội Armenia ngày 14/7

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại