Thu hút đầu tư FDI 2 tháng đầu năm rất tích cực
Tình hình thu hút đầu tư FDI 2 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam rất tích cực. Cụ thể, vốn đầu tư đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%. Đây là con số rất cao so với cùng kỳ. Kết quả giải ngân tăng 9,8% - tương đương với 2,8 tỷ USD, cho thấy các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là cụ thể.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 /21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ...
Một điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là tỷ lệ về vốn mới và dự án mới rất cao. Đây là một tín hiệu rất tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 cũng như năm 2025.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy và đánh giá được các tiềm năng và triển vọng của kinh tế Việt Nam - điểm đến hấp dẫn trong những năm tới.
Chính vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp đột phá để có thể thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư lớn tới Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, dự án lớn trong các lĩnh vực mà chúng ta quan tâm, nhất là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là lĩnh vực chíp bán dẫn cũng như các ngành công nghiệp mới.
3 lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm
Về các lĩnh vực được quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đầu tiên là hạ tầng và đất đai. Đối với các dự án lớn, nhu cầu về đất đai rất lớn và yêu cầu về hạ tầng rất cao. Do vậy, giải pháp đối với lĩnh vực này là tập trung tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn như đã đặt ra trong triển khai xây dựng và đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn để thực hiện sớm trong những ngày đầu Luật Đất đai có hiệu lực.
Lĩnh vực thứ hai mà các nhà đầu tư quan tâm và Việt Nam rất cần tập trung các giải pháp đột phá là nguồn nhân lực. Với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư có quy mô lớn thì nhu cầu về nguồn nhân lực rất cao. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án để phấn đấu đào tạo khoảng 100 nghìn công nhân, người lao động cũng như kỹ sư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chip bán dẫn, trong đó có 50.000 lao động dành riêng cho lĩnh vực chip bán dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án, để trình Thủ tướng, đào tạo sớm nguồn nhân lực chất lượng cao này.
Lĩnh vực thứ ba mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện các đột phá là lĩnh vực thể chế. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới, có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật khác.
Cùng với đó là các quy định về xuất nhập cảnh, các thủ tục, nội quy visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam. Các chính sách đổi mới này không chỉ khách du lịch mà cả nhà đầu tư cũng rất hoan nghênh.