Tháng 10/1993, một chuyên gia của Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc đến Chợ đồ cổ Phan Gia Viễn ở Bắc Kinh và phát hiện một lô tượng gốm kiểu dáng của thời Bắc Ngụy. Ông ngay lập tức nghĩ đến lăng mộ bị trộm vào tháng 5/1993, chẳng lẽ bức tượng đồ gốm này có liên quan đến lăng mộ bị đánh cắp?
Người bán tượng gốm khẳng định với chuyên gia rằng những bức tượng gốm là do người dân làng Hà Nam (Trung Quốc) đào được trong quá trình xây dựng ở khu phát triển kinh tế. Những bức tượng gốm ở gian hàng này chỉ là một phần nhỏ, còn hầu hết vẫn ở quê nhà ở Hà Nam.
Dựa trên kinh nghiệm thẩm định nhiều năm, các chuyên gia đánh giá đây là nhóm di tích văn hóa quốc gia. Để đảm bảo tính chính xác, các chuyên gia đã mua một vài bức tượng gốm cổ từ Phan Gia Viễn để xác minh thêm.
Chợ đồ cổ Phan Gia Viễn ở Bắc Kinh. Ảnh: Sohu
Sau khi thực hiện giám định bằng công nghệ C14 và X-quang, các thành viên của nhóm thẩm định kết luận: Những bức tượng gốm này "đủ niên đại". Đây là một di vật văn hóa quý giá từ thời Bắc Ngụy.
Đồng thời, các chuyên gia đã cơ bản xác nhận rằng những bức tượng nhỏ bằng gốm được khai quật này có thể là đồ vật tuẫn táng từ lăng mộ Bắc Ngụy đã bị đánh cắp ở Hà Nam cách đây không lâu.
Những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời được chôn sâu trong lòng đất này không chỉ truyền tải những đời sống phong phú của các dân tộc cổ đại phía Bắc Trung Quốc, mà còn cung cấp những thông tin trực quan để nghiên cứu những thay đổi trong gu thẩm mỹ và phong tục tập quán của người xưa.
Các bức tượng nhỏ bằng gốm trong Bộ sưu tập của Bảo tàng Tây An (Nguồn: Baidu)
Để các di tích văn hóa quý giá này không bị hư hỏng, mất mát, các chuyên gia kiến nghị xin nhà nước hỗ trợ kinh phí đặc biệt và mua lại kịp thời.
Dưới sự vận động của các chuyên gia, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng Cố Cung và các đơn vị khác đã cấp kinh phí đặc biệt và cử chuyên gia đến thu mua những bức tượng gốm thời Bắc Ngụy xuất hiện trên thị trường đồ cổ.
Ông Lu Jimin, lúc đó là Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Nhà nước, nhớ lại: Bảo tàng Lịch sử đã mua 3 lần, Bảo tàng Cố Cung mua 2 lần. Số tiền mà 2 bảo tàng này chi trả là 800.000 NDT và 100.000 NDT.
Việc mua lại như vậy là hầu như chưa từng có do trước đây bởi các cơ sở văn hóa, văn nghệ của Trung Quốc về cơ bản không thu mua di vật văn hóa từ các quầy hàng. Sự thu mua nhanh chóng và dứt khoát của một số sở văn hóa và bảo tàng lớn của Trung Quốc lần đủ cho thấy giá trị của những bức tượng gốm này.
Tượng gốm thời Bắc Ngụy (Nguồn: Baidu)
Chỉ trong vài tháng, những người làm công tác di tích văn hóa đã mua được hàng trăm bức tượng gốm thời Bắc Ngụy từ chợ đồ cổ. Động thái này cũng khiến nhiều người sưu tầm đồ cổ đổ xô đến Phiên Gia Viễn mua các bức tượng gốm thời Bắc Ngụy.
Tuy nhiên thật không thể tưởng tượng ra, bất chấp các bộ phận nghiên cứu cật lực đi mua lại cổ vật thì trên thị trường đồ cổ Bắc Kinh ngày càng có nhiều món đồ tương tự... Trong khoảng thời gian rất ngắn, tượng gốm thời Bắc Ngụy xuất hiện ở khắp mọi nơi. Điều này làm dấy lên sự nghi ngờ các chuyên gia thẩm định di tích văn hóa.
Sự thật bẽ bàng
Với sự hỗ trợ của cơ quan liên quan và cảnh sát, vụ việc tượng gốm nhanh chóng được đưa ra ánh sáng: Hóa ra là những "di tích văn hóa Bắc Ngụy" này đều đến từ một số xưởng sản xuất đồ gốm cổ nhỏ ở làng Nam Thạch San, ngoại ô thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam.
Thông qua các chủ hàng và những người bán, cơ quan điều tra đã tìm ra một người có tên Gao Shuiwang. Khi được mời đến cơ quan điều tra ông này khai rằng một khách hàng bí ẩn không muốn nêu tên đã từng đến và đặt mua một lô tượng gốm cổ từ các bậc thầy trong làng. Vài ngày sau, anh ta lại đến và bổ sung thêm hàng trăm thứ tương tự.
Chân dung ông Gao Shuiwang (Nguồn: 163.com)
Tưởng như mọi việc đã sáng tỏ nhưng xưởng sản xuất đồ gốm của ông này lại có đầy đủ thủ tục và giấy tờ để sản xuất những đồ gốm này. Việc làm của Gao Shuiwang không phải làm giả cổ vật, hành động này được coi là phục cổ. Gao Shuiwang được chứng nhận là người kế thừa di sản văn hóa phi vật thể.
Gao Shuiwang cho hay, làng Nam Thạch San có nhiều nghệ nhân trong làng từng làm ngói tráng men cho triều đình. Kỹ thuật nung của các bức tượng gốm thời Bắc Ngụy hoàn toàn giống với gạch ngói, và chúng đều được nung với kỹ thuật riêng biệt mà thành.
Sau nhiều lần điều tra, thẩm vấn, cuối cùng cảnh sát cũng tìm ra sự thật. Một người mua đến xưởng đặt hàng và những bức tượng gốm này đã được bị xử lý bằng phương pháp chiếu tia X, rồi đem bán ra chợ đồ cổ. Chính vì thế mà lô đồ cổ này đã qua mắt được các chuyên gia và cả các phương pháp giám định hiện đại.
Hành vi của ông Gao Shuiwang được kết luận không vi phạm pháp luật. Trách nhiệm thuộc về người mua những bức tượng gốm này đã sử dụng phương pháp tinh vi nhằm lừa gạt và trục lợi.
Sau vụ việc này, các bảo tàng đã thận trọng hơn trong việc thu mua các di tích văn hóa. Đồng thời, sự cố tượng gốm thời Bắc Ngụy cũng đã cho những người mê sưu tầm đồ cổ một bài học sâu sắc.
Bài viết tham khảo từ Sohu