Bão số 9 chệch xuống phía Nam
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, trong 6 giờ vừa qua, bão số 9 có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam, ở huyện đảo Phú Quý đã có gió giật mạnh cấp 8.
Hồi 7 giờ sáng nay 24-11, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 190km, cách Vũng Tàu khoảng 240km, cách Bến Tre 300km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km.
Vị trí đường đi của bão cập nhật lúc 5h ngày 24/11.
Đến 19 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ở khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 7 giờ sáng mai (25-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ chiều nay (24/11), trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều nay (24/11).
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-400mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Cảnh báo lũ: Từ nay đến 27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
TP.HCM dự kiến sơ tán nửa triệu người
Trong bản tin phát đi lúc 9h sáng nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ chiều và đêm nay tại TP.HCM có mưa rất to (200-250 mm) và có khả năng dông, lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Toàn bộ tàu thuyền đã nhận được lệnh về nơi trú bão an toàn. Ảnh: Tiền Phong
Theo tờ Thanh Niên, trước diễn biến bão số 9, theo Văn phòng UBND TP.HCM, TP đã có phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào TP. Trong trường hợp bão số 9 đổ bộ trực tiếp vào địa bàn TP với sức gió giật từ cấp 8 - 9 trở lên, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và cơ quan chức năng sẵn sàng tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có nguy cơ đổ sập và những khu vực xung yếu.
Dự kiến di dời, sơ tán khoảng hơn 100.000 hộ với khoảng hơn 500.000 người.
Trong tình huống phát lệnh sơ tán, thời gian thực hiện hoàn thành trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp. Lực lượng dự kiến huy động từ các sở ngành, đơn vị cấp TP đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó đảm bảo khoảng 29.000 - 30.000 người.
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã yêu cầu trong trường hợp thời tiết diễn biến phức tạp, đề nghị UBND các quận, huyện trao đổi với Sở để có thông báo cho học sinh nghỉ học.
Trước diễn biến của bão số 9 (bã Usagi) hướng thẳng vào TPHCM, theo tờ Tiền Phong, lực lượng chức năng đang khẩn trương chuẩn bị các phương án đối phó, di dời dân để đảm bảo an toàn.
Sáng 24/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai) dẫn đầu đoàn công tác cùng Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm thị sát kiểm tra tình hình chống bão tại huyện Cần Giờ. Đây được đánh giá là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất nếu bão đổ bộ vào TPHCM.
Người dân chằng chống nhà cửa chống bão. Ảnh: Tiền Phong
Tại Nha Trang, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang, cho biết đến 17h chiều 23/11, TP đã di dời hơn 1.300 hộ với hơn 5.400 người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nhà văn hóa các thôn, trường học, đồn biên phòng... để đảm bảo an toàn.
Trong chiều 23/11, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chủ trì họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9.
Theo đó, có 158.534 người/42.423 hộ dự kiến phải sơ tán, di dời khi bão đổ bộ vào tỉnh này.