Sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, đến chiều ngày 27/10, bão số 6 (bão Trà Mi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9, di chuyển theo hướng nam tây nam, tốc độ khoảng 5 km/giờ. Sau khi bão đi qua đã xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài gây ra ngập lụt, nguy cơ sạt lở ở nhiều nơi gây thiệt hại cho các tỉnh như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... Các tỉnh, thành phố hiện đã có những thống kê thiệt hại ban đầu do bão số 6 gây ra.
Thừa Thiên - Huế: 2 người tử vong, 214 nhà tốc mái
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của bão số 6, toàn tỉnh có 214 nhà bị tốc mái, hư hỏng (huyện Phú Lộc có 210 nhà, tại thành phố Huế có 4 nhà).
Mưa lớn, triều cường dâng cao khiến nhiều đoạn bờ biển ở các xã ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục sạt lở nghiêm trọng.
Bờ biển xã Giang Hải – Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) tại vị trí đoạn kè mềm bằng ống cát bị nước biển dâng cao tràn qua nhiều vị trí vào sâu trong khu vực nuôi trồng và sản xuất; bờ biển Giang Hải - Vinh Mỹ tiếp tục bị xâm thực, xói lở dài 500 m. Bờ biển tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền) bị xâm thực với chiều dài khoảng 1,3 km, ăn sâu vào đất liền 8m.
Thừa Thiên Huế ghi nhận có 2 người tử vong do bão số 6. Cụ thể, chiều 27/10, một người đàn ông điều khiển xe máy lưu thông trên QL49 theo hướng từ xã Quảng Công - Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) đến địa phận xã Hương Phong, qua đoạn đường ngập sâu không may bị ngã và bị nước cuốn mất tích. Đến 15h30, thi thể nạn nhân đã được tìm thấy.
Nạn nhân thứ 2 là ông Lê Phước Th. (SN 1980, trú thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh). Vào khoảng 11h trưa 27/10, ông Th. ra khu đầm phía trước nhà để bủa lưới bắt cá trong lúc bão số 6 đang áp sát đất liền rồi được phát hiện đã tử vong.
Quảng Bình: 1 người tử vong, 15.000 nhà dân ngập trong biển nước
Ở Quảng Bình, theo thống kê từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình, tính đến sáng 28/10, đến nay đã có trên 15.000 nhà dân bị ngập trong nước. Trong đó huyện Lệ Thủy chiếm nhiều nhất với hơn 10.600 nhà, huyện Quảng Ninh có hơn 4.000 nhà và thành phố Đồng Hới gần 400 nhà dân bị ngập. Mưa lũ cũng khiến 374ha hoa màu, rau màu bị ngập nước, thiệt hại 100ha diện tích cá - lúa.
Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 89 hộ, 333 khẩu ở bản Mít Cát, đập Cây Bông và đập Cồn Cùng (xã Kim Thủy), bản Tân Ly (xã Lâm Thủy), bản Khe Giữa, hồ Dạ Lam (xã Thái Thủy). Ngoài ra, tại các xã, thị trấn vùng thấp trũng, các hộ cũng đã di dời nội bộ từ hộ nhà thấp sang nhà kiên cố, cao tầng.
"Nước lũ lên nhanh quá không kịp trở tay, nhà tôi ngập gần 1m chỉ trong vài giờ đồng hồ. Chúng tôi phải nhanh chóng sơ tán đồ đạc, đưa gia đình lên gác tránh lũ. Hiện nay, điện bị cắt, nước sạch cũng thiếu thốn, mọi sinh hoạt rất khó khăn", ông Ngô Mậu Tình - người dân ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủ chia sẻ trên báo Người lao động.
Mưa lũ đã làm anh Lê Ngọc Hơn (22 tuổi, ngụ xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bị nước cuốn trôi khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại khu vực hồ Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy. Đến sáng nay, 28/10, thi thể của anh Hơn được tìm thấy cách vị trí bị nạn khoảng 300m.
Quảng Nam: 1 người tử vong, 3 người bị thương nặng
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam tuy bão số 6 không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam, nhưng ảnh hưởng của bão gây mưa to và gió lớn đã khiến 13 ngôi nhà bị tốc mái; sụt lún ở khu vực miền núi. Bão Trà Mi cũng gây ra 35 vụ sự cố lưới điện, khiến cho 819 trạm biến áp và hơn 84.400 khách hàng bị mất điện.
Trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 người tử vong, 3 người bị thương nặng trong quá trình chằng chống nhà cửa tránh bão. Cụ thể, ngày 27/10, ông Nguyễn Đức Q. (SN 1968, trú khu phố Nghĩa Phước, thị trấn Ái Nghĩa), sau khi leo lên mái nhà để gia cố, chằng chống nhà cửa phòng chống bão cùng với người thân bị trượt thang, rơi xuống đất tử vong tại chỗ.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn có 3 người dân (ở các địa phương Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên) bị thương tích nặng khi chằng chống nhà cửa, phòng chống cơn bão số 6. Trong đó, 2 người bị gãy chân và 1 người bị chấn thương sọ não.
Đà Nẵng: 62 ngôi nhà bị tốc mái, gần 1.000 cây xanh ngã đổ
Ở TP.Đà Nẵng, theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, tính đến 7 giờ ngày 28/10, trên địa bàn thành phố có 51 nhà bị ngập tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (do lũ quét trên sông Cu Đê, hiện lũ đã rút); 9 nhà bị tốc mái hoàn toàn (tại quận Cẩm Lệ: 1 nhà; quận Liên Chiểu: 2 nhà và Hòa Vang: 6 nhà); 53 nhà bị tốc mái một phần (quận Cẩm Lệ: 4 nhà; huyện Hòa Vang: 49 nhà).
Bão cũng làm tốc mái tại một số trung tâm y tế (tại Trung tâm Cấp cứu thành phố bị vỡ, tốc tấm ốp mái che ở tiền sảnh; tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, mái tôn ở khu xét nghiệm bị tốc; tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, hành lang khu khám bệnh bị rơi la-phông...).
Về nông nghiệp, bão làm thiệt hại 12ha hoa màu (vùng rau La Hường (Hòa Thọ Đông): 7ha, vùng rau Gò Soi (Hòa Thọ Tây): 5ha; có một ghe nhỏ bị chìm (của ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).
Có 909 cây xanh đô thị bị ngã, đổ (quận Hải Châu: 28 cây; Thanh Khê: 18 cây; Sơn Trà: 34 cây; Ngũ Hành Sơn: 84 cây; Liên Chiểu: 134 cây; Cẩm Lệ: 172 cây và huyện Hòa Vang: 439 cây).
Bão Trà Mi còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đường ven sông ở Đà Nẵng. Đoạn đường Như Nguyệt gần cầu Thuận Phước bị ngập nước sông, với khoảng 150m đường ngập sâu và bị hư hỏng vỉa hè. Sóng lớn khiến trụ đèn trang trí bị ngã đổ, đất và cát tràn lên vỉa hè, gây mất an toàn giao thông. Hàng loạt biển báo và đèn tín hiệu giao thông cũng bị hư hỏng do gió mạnh.
Quảng Trị: Hơn 2.500 người đi tránh lũ, 18.700 học sinh nghỉ học
Ngày 28/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 nên trên địa bàn có mưa to đến rất to.
Mưa lớn khiến nhiều nơi tại các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh... bị ngập sâu trong nước. Mưa lũ làm nước dâng cao gây ngập các ngầm tràn từ 2-3m, làm chia cắt nhiều bản, làng tại các huyện miền núi Hướng Hóa, Đắkrông.
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai công tác di dời dân ngay trong đêm 27/10 để đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt tại các xã Vĩnh Long, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy..., nước dâng cao trong đêm khiến công tác cứu hộ, di dời dân được thực hiện khẩn cấp.
Các phương tiện như ca nô, thuyền đã được huy động để di dời người và tài sản của người dân; trong đó, tập trung ưu tiên đối tượng là người già, phụ nữ và trẻ em. Đến 12h trưa ngày 28/10, tỉnh Quảng Trị đã triển khai sơ tán 981 hộ với 2.543 nhân khẩu.
Ngoài ra, mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng như tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, huyện Đắkrông xuất hiện 3 điểm sạt lở. Nhiều tuyến đường tại các xã Gio An, Gio Hải (huyện Gio Linh), xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Linh) bị xói lở, hư hỏng nghiêm trọng...
Trong buổi sáng cùng ngày, Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh cho biết, từ chiều tối qua (27/10), mưa lớn khiến nước dâng cao gây ngập cục bộ tại một số điểm trường khiến khoảng 18.700 học sinh tại 52 trường học trên địa bàn huyện nghỉ học. Sáng nay nước đã có chiều hướng rút xuống chỉ còn một số điểm trường ở xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành... bị ngập từ 0,4-0,5m.
Trong bản tin cuối về cơn bão số 6 (bão Trà Mi) của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, sáng sớm nay (28/10), áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 6) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền ven biển Quảng Nam-Đà Nẵng.
Đồng thời dự báo sau bão, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường tiếp tục gây mưa dài ngày cho các tỉnh miền Trung. Lực lượng công an vẫn ứng trực 100% quân số, đồng hành với nhân dân.