Mùa bão 2019 tại lưu vực Tây Thái Bình (gồm Biển Đông) được các chuyên gia khí tượng quốc tế nhận định là dữ dội, dị thường và khó dự báo.
Việc song bão xuất hiện cùng lúc tại lưu vực Tây Thái Bình Dương - 'ổ bão' mạnh nhất hành tinh - hiện nay là minh chứng cho thấy sự dữ dội trong hoạt động bão năm 2019 tại đây.
Song bão đang hoạt động trên vùng Tây Thái Bình Dương gồm: Siêu bão Hạ Long và bão Nakri (bão số 6), Trung tâm dịch vụ thời tiết Mỹ AccuWeather thông tin.
- Ngày 2/11, từ một vùng áp thấp, siêu bão Hạ Long (tên quốc tế là Halong) nhanh chóng tăng cấp để trở thành trạng thái 'siêu bão' và ngày 5/11.
- 24 giờ đồng hồ sau khi tăng cấp thành một siêu bão Cấp 4 trên thang đo bão phương Tây Saffir-Simpson, Hạ Long đạt đỉnh sức mạnh để trở thành siêu bão Cấp 5, với sức gió mạnh nhất đạt 278 km/giờ, gió giật mạnh 333 km/giờ.
Nguyên nhân khiến siêu bão Hạ Long tăng cấp dữ dội là vì hệ thống bão của nó di chuyển qua vùng nước biển ấm 29 độ C liên tục trong 3 ngày.
Hình ảnh siêu bão Hạ Long khi đạt đỉnh ngày 5/11. Nguồn: RAMMB/CIRA/CSU.
Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ (JTWC) dự báo, siêu bão Hạ Long di chuyển hoàn toàn ngoài biển mà không tấn công bất cứ khu vực đất liền nào. Siêu bão Hạ Long được nhận định là một trong những trận bão mạnh nhất trong lịch sử quan sát của vệ tinh thời tiết.
Tính đến 13 giờ ngày 7/11, AccuWeather cho biết, Hạ Long đã giảm cấp, sức gió mạnh nhất đạt 167 km/giờ, gió giật 204 km/giờ. Bão Hạ Long di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được 15 km.
Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương liên tục cập nhật cường độ của bão số 6 bởi sức mạnh của bão số 6 thay đổi theo từng giờ.
- Ngày 5/11, Biển Đông ghi nhận vùng áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
- Ngày 7/11, áp thấp nhiệt đới đã chuyển lên thành bão (bão Nakri hay bão số 6). Tính đến 10 giờ sáng ngày 7/11, vị trí tâm bão số 6 cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 390km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
- Dự báo: Bão số 6 tiếp tục mạnh hơn nữa. Đến 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 9/11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 200km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.
Vào đầu tuần sau, bão số 6 đổ bộ trực tiếp đất liền nước ta. Khu vực dự báo bị ảnh hưởng của bão là các tỉnh Nam Trung Bộ.
Siêu bão cấp 5 Hạ Long được NASA, Trung tâm dự báo Thời tiết nguy hiểm châu Âu (SWE), AccuWeather (Mỹ) đồng loạt nhận định là siêu bão không chỉ có cường độ rất mạnh mà còn là một trong những trận bão có thời gian tăng cấp nhanh nhất mùa bão 2019 tại Tây Thái Bình Dương.
Đường đi dự kiến của bão số 6 (bão Nakri). Nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương
Chính vì xuất hiện cùng thời điểm với siêu bão 'quái vật' Hạ Long nên công tác dự báo bão số 6 gặp khó khăn.
- Về đường đi dị thường của bão số 6, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương nhận định: Bão số 6 có hướng đi dị thường. Do ảnh hưởng của trường dòng dẫn các tầng khí quyển trên cao, các vùng xoáy thuận nhiệt đới tạm thời bị kéo ra ngoài biển. Nhưng sau đó, bão liên tục mạnh lên và thay đổi hướng đi, xu hướng di chuyển khó đoán, Zing.vn thông tin.
- Về sự khó đoán/dự báo của bão số 6, chuyên gia của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cũng cho biết, do ảnh hưởng của 3 hình thái thời tiết nguy hiểm trên biển [gồm siêu bão Hạ Long ở lưu vực Tây Thái Bình Dương (nguyên nhân chính) và cơn bão ở Ấn Độ Dương cùng một áp thấp nhiệt đới ở Vịnh Bengal] làm cho bão số 6 có diễn biến phức tạp, lúc đi ra, lúc đi vào.
Cường độ và hướng di chuyển của bão số 6 phụ thuộc nhiều vào siêu bão Hạ Long. Nếu siêu bão Hạ Long đi lên phía Bắc, thì bão số 6 sẽ di chuyển về phía Tây, ông Hưởng trả lời phỏng vấn trên Dân Trí.
Bài viết sử dụng các nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV TW, Zing.vn, Dân Trí
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.