Cơn bão số 4 được hình thành từ một vùng Áp thấp nhiệt đới ngay trên biển Đông, đi qua phía Đông quần đảo Hoàng Sa, phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đến ngày 13/8 Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Có hai tình huống có thể xảy ra, cơn bão có thể tan, chuyển thành Áp thấp nhiệt đới khi di chuyển vào vịnh Bắc bộ. Trường hợp khác khi bão di chuyển vào đất liền cần theo dõi chặt chẽ.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết: "Trong khi hầu hết các cơn bão đều di chuyển từ Đông sang Tây, riêng cơn bão số 4 di chuyển ngược lại từ phía Tây sang phía Đông và thậm chí còn di chuyển theo hướng Đông Nam. Thời điểm này cơn bão đang dừng lại đi chậm sang hướng Bắc và hướng Tây".
Theo dự kiến, vào đêm mai (15/8) bão sẽ di chuyển qua bán đảo Lôi Châu. Sáng ngày kia (16/8) bão sẽ di chuyển vào Bắc bộ. Nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển chậm theo hướng Đông sau có khả năng đổi hướng dịch chuyển về phía Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 16 giờ ngày 15/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.
Cảnh báo sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc
Cơn bão số 4 khi đổ bộ vào đất liền gây mưa to đến rất to trong thời gian ngắn (từ ngày 15/8 - 17/8), tuy nhiên, lượng mưa lớn tập trung vào khoảng 300-400mm, thậm chí có nơi lên đến 500-600mm.
Trong tháng 6, tháng 7 vừa qua, lượng mưa ở Bắc Trung Bộ vượt lên mức trung bình hàng năm, có những điểm vượt lên 200-400%, những hồ chứa, bề mặt hiện đang tích một lượng nước lớn nên khi bão gây mưa, dẫn đến nguy cơ sạt lở lớn, ngập úng và lũ lớn trên các sông.
Viện khoa học khí tượng Thủy văn đã phối hợp với viện địa chất khoáng sản đưa ra những cảnh báo về lũ lớn và sạt lở đất đá cho các tỉnh để triển khai phương án phòng tránh.
Ông Hải cho biết: "Trong một năm mưa nhiều, các địa hình, địa chất, địa mạo thay đổi so với trước đây nên tình trạng sạt lở đất rất dễ xảy ra, đặc biệt là các tỉnh có nguy cơ cao như Yên Bái, Lai Châu, Hòa Bình..."
Từ đêm mai đến ngày 17/8, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to, tổng lượng mưa cả đợt khoảng 250-350 mm.
Đỉnh lũ trên các sông Đà, Thao, Hoàng Long, Bùi (Hà Nội), Bưởi (Thanh Hóa) có khả năng lên mức báo động 2-3. Hiện hồ Hòa Bình đang mở 3 cửa xả đáy, Sơn La một cửa, hồ Tuyên Quang một cửa.
Theo bà Trịnh Thu Phương, Trưởng phòng dự báo Thủy văn Bắc Bộ: "Hiện nay, các hồ chứa đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ chính vụ, lượng nước của các hồ đang ở dưới mực nước sông bình thường tương đối nhiều, khoảng từ 10 -15m nên khi lũ lớn xảy ra, các hồ vẫn thực hiện đang vận hành theo quy trình thêm hồ chứa nên tình trạng nước hồ vượt quá mực nước sông bình thường sẽ khó xảy ra".
Tình trạng ngập lụt khả năng tái diễn đợt mưa lũ tương tự, xấp xỉ hoặc dưới đỉnh lũ trung tuần tháng 7. Đối với khu vực Chương mỹ, mực nước hiện tại xuống dưới báo động 1 là khoảng 1,5m và vấn đề khi có mưa trở lại ngập lụt ít có khả năng kéo dài.
Bebinca là cơn bão thứ tư trên biển Đông trong năm nay. Cơ quan khí tượng dự báo, tổng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông năm 2018 khoảng 12-14 cơn, trong đó số vào đất liền Việt Nam khoảng 4-6./.