Theo bản tin mới nhất của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 14 giờ ngày 7-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng ven bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/giờ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Bãi Cháy (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 14, giật cấp 17, Phù Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Đông Xuyên (Hải Phòng) gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10,…
Ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to như: Cửa Ông (Quảng Ninh) 113 mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 110 mm, Cát Bà (Hải Phòng) 86 mm,…
Ngày 7-9, trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Khuyến cáo người dân không nên ra đường
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trường phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khuyến cáo Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng bão trực tiếp chậm hơn khu vực ven biển. "Từ 15-16 giờ trở đi, TP Hà Nội sẽ có gió mạnh cấp 6-7, gió giật cấp 8-9. Sức gió này có khả năng quật ngã nhiều cây lớn, thổi bay biển quảng cáo nên người dân không ra ngoài từ đầu giờ chiều nay"- ông Hưởng nói.
Trong khi đó vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ trưa đến chiều tối ngày 7-9).
Khu vực ven biển từ Ninh Bình đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5 m đến 1,5 m. Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão.
Về mưa, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: Từ chiều ngày 7-9 đến hết đêm 7-9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Ngày và đêm 8-9 có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-60mm, có nơi trên 150 mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm.
Phía Tây Bắc Bộ từ chiều 7-9 đến sáng ngày 9-9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 450 mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.