Sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi các địa phương có biện pháp phòng chống cơn bão số 13 (bão Haikui).
Theo Bộ trưởng, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sau khi đi vào khu vực miền Trung Philippines áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Haikui (cơn bão số 13).
Hiện nay, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào khoảng 930 km về phía Đông Nam, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 4 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão sẽ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Haikui, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12, biển động rất mạnh.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 12,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.
Để chủ động ứng phó với bão, Bộ trưởng, Trưởng ban yêu cầu các địa phương cần thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão số 13 để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.
Trước đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các tỉnh phối hợp với các chủ hồ tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá nhanh hiện trạng an toàn của các công trình đập, hồ chứa thủy điện và thủy lợi trên địa bàn đang quản lý.
Cập nhật thường xuyên thông tin để chủ động vận hành xả nước đón lũ, đặc biệt là khu vực từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa.
Rút kinh nghiệm để hoàn thiện các phương án phòng chống lũ hạ du, nhất là các khu vực hạ du đập có đông dân cư, khu đô thị, các công trình hạ tầng quan trọng. Sẵn sàng phương án sơ tán dân khi có tình huống khẩn cấp.
Hai Bộ NN-PTNT và Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo toàn diện công tác kiểm tra, đánh giá về sự an toàn hồ chứa thuộc phạm vi quản lý, đôn đốc chỉ đạo và báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trước ngày 15/11.