Báo quốc tế: Việt Nam và châu Á dẫn đầu thương mại tự do với CPTPP

Minh Đức |

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương chính thức được ký kết giữa 11 nước thành viên vào ngày 8/3 tại Chile.

Tờ Nikkei Asia Review vừa có một bài viết với tiêu đề: “TPP 11: châu Á dẫn đầu thương mại tự do như thế nào”; trong đó đề cập đến những ảnh hưởng của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến các nền kinh tế thành viên, bao gồm cả Việt Nam.

Nikkei dẫn lời “đại gia” thủy sản Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương nhận định, cho dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận ban đầu, nhưng CPTPP vẫn sẽ đem lại những lợi ích cho doanh nghiệp của ông. Năm ngoái, công ty Hùng Vương đã xuất khẩu số lượng thủy sản trị giá 30 triệu USD sang Nhật Bản, Canada và Australia. Ông Minh hy vọng, con số này sẽ tăng 30% sau khi hiệp định CPTPP chính thức được ký kết giữa 11 nước thành viên, vào ngày 8/3 tại Santiago, Chile.

Theo tờ báo tài chính lớn nhất thế giới, việc TPP gần như bị đổ vỡ trước đó, là một cú sốc lớn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại nhận định, hiệp định mới với 11 thành viên, sẽ vẫn có ảnh hưởng không nhỏ và giúp tăng cường phát triển kinh tế của Việt Nam.

Nikkei cho rằng, ý nghĩa lớn nhất của CPTPP không phải là các điều khoản đạt được, mà nó nằm ở chỗ, các nước thành viên còn lại rốt cuộc cũng đi đến được một thỏa thuận cuối mà không cần tới sự có mặt của Mỹ.

“Nó cho thấy thế giới đang thay đổi như thế nào khi Mỹ - quốc gia khởi xướng sáng kiến TPP từ những ngày đầu tiên và dự kiến là sẽ được hưởng lợi rất nhiều… - giờ đây lại rút khỏi và đi theo một hướng hoàn toàn trái ngược,” Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore, cho biết. “Nước Mỹ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo đối với thương mại tại châu Á”.

CPTPP có tác động đến 500 triệu người và có tổng GDP là 12,4 nghìn tỷ USD – chiếm 13,5% GDP toàn cầu. Hiệp định gốc TPP được thông qua vào tháng 10/2015 với 12 thành viên, bao gồm cả Mỹ. Khi Mỹ rời đi, các thành viên còn lại đã phải tiến hành tái rà soát lại một số nội dung.

Hiệp định mới về cơ bản sẽ giữ nguyên nội dung đã đàm phán của TPP (nội dung Hiệp định TPP gồm 30 chương bao quát rộng về thương mại, thuế quan, đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...) nhưng sẽ có thêm 2 phụ lục và bổ sung quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai:

“Kể từ sau NAFTA, chúng ta vẫn chưa có được một hiệp định sâu sắc, rộng mở và toàn diện như TPP,” bà Elms phân tích. “Một khi có hiệu lực – nhiều khả năng là trong năm nay, nó có thể thay đổi nền kinh tế của các thành viên”.

Việt Nam sẽ vẫn là nước được lợi nhất với CPTPP?

Trong số các quốc gia tham gia hiệp định gốc, Việt Nam được đánh giá là nước thắng lợi nhất. Theo dự đoán ban đầu, ngành công nghiệp may mặc của Việt Nam sẽ tăng trưởng 30% sau khi lối vào thị trường Mỹ được mở rộng. Với hiệp định CPTPP, việc xuất khẩu sang các đối tác mới sẽ vẫn thúc đẩy doanh số, cho dù không được ấn tượng như là trong hiệp định ban đầu.

Theo Nikkei, ảnh hưởng lớn nhất của CPTPP tới ngành thủy sản Việt Nam, chính là cải thiện chất lượng sản phẩm. CPTPP sẽ giúp mở rộng danh tiếng cho hải sản Việt Nam.

Lấy ví dụ về Nhật Bản – một thị trường rất khắt khe trong việc nhập khẩu thủy sản, ông Elms dự đoán, nếu các thuế quan về mức 0%, tự nhiên sẽ xuất hiện “các sáng kiến tìm cách vượt qua những thách thức tiêu chuẩn để có thể bán sản phẩm tại Nhật Bản”. “Lợi thế của việc thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản là rất lớn đối với Việt Nam,” chuyên gia này nói.

Mỹ sẽ quay trở lại?

Một điều đáng chú ý là, Mỹ - quốc gia từng “dứt áo” rời khỏi TPP, giờ đây có vẻ đang muốn thay đổi quyết định. Hồi tháng Một, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Tổng thống Donald Trump từng bày tỏ, ông có thể quay trở lại TPP nếu đạt được một thỏa thuận tốt hơn. Khả năng này càng trở nên rõ ràng, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stenvan Munichin tiết lộ, các thành viên của Quốc hội Mỹ đã bắt đầu yêu cầu chính quyền Trump xem xét lại cách tiếp cận thương mại.

“Quá trình này có thể sẽ chậm chạp và khó khăn, nhưng tại Washington người ta đang thảo luận về cái giá phải trả khi rời khỏi [TPP], đặc biệt là khi các quốc gia đối thủ lại tham gia hiệp định này,” bà Elms cho biết. “Giả định ban đầu khi Mỹ rút khỏi thì hiệp định sẽ đổ vỡ, đã không xảy ra. Và hiệp định này đang bắt đầu thực sự tâp trung vào những ảnh hưởng tiêu cực lên người dân Mỹ, bao gồm cả các lợi ích trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Nikkei kết luận, CPTPP có thể hoặc chưa đem lại các lợi ích kinh tế cho các nước thành viên ngay lập tức. Nhưng nó gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng, 11 quốc gia châu Á và Mỹ Latin đã đi theo con đường thương mại tự do, và nói “không” với chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại