*Lược dịch theo bài viết của Sen Nguyen, đăng tải trên SCMP vào ngày 20/3/2021
Nguyen Minh Giang chẳng mê ca hát, nhưng cô khá thích nghe người khác hát hò. Chỉ miễn là không phải từ mấy dàn karaoke của hàng xóm gần nhà cô, tại TP.HCM.
"Khi người ta hát hò bên kia sông, mọi người trong khu chung cư tôi sống phía bên này bắt đầu cất tiếng chửi thề," - trích lời cô nhân viên 33 tuổi tại một công ty giày dép. Giang chia sẻ thêm, họ hát nhiều đến mức giờ cô còn biết ai thích hát bài nào nữa.
Ảnh minh họa
Các buổi ca hát tụ tập xảy ra cả ngày lẫn đêm, thường là vào 14h30 - 18h các ngày trong tuần, và kéo dài hơn vào cuối tuần.
Giang cho biết, tình cảnh này cô đã phải kiên nhẫn chịu đựng suốt 2 năm ròng. "Rất nhiều lần, họ bật nhạc to đến mức người trong nhà không thể trò chuyện hay nghỉ ngơi."
Karaoke hay tra tấn?
Theo SCMP, Việt Nam được quốc tế vinh danh là một trong những đất nước dập dịch Covid-19 thành công nhất, chúng ta lại không thể chống lại một đại dịch khác đã đeo bám suốt nhiều năm, mang tên "karaoke nhà hàng xóm". Nếu xem tiếng còi xe như những bản nhạc của đời sống, thì karaoke hàng xóm có thể ví như đoạn điệp khúc. Nó lặp đi lặp lại, khiến người ta phải đau đầu khi nghe.
Sự tra tấn của karaoke đã gây ra vô số sự việc đáng tiếc. Tháng 11/2020, mạng xã hội Việt Nam bỗng thể hiện sự... đồng cảm với một người đàn ông bị bắt sau khi quăng bom xăng vào nhà hàng xóm, chỉ vì nhà bên hát karaoke quá ồn bất chấp lời phàn nàn. Tháng 10/2019, một người đàn ông ở Huế đã cùng 2 đồng phạm dùng dao đâm hàng xóm, nguyên nhân cũng vì chuỗi "bài ca bất tận" không chịu chấm dứt. Một vụ đâm dao khác với nguyên nhân tương tự cũng xảy ra tại Bến Tre, vào tháng 3/2019.
Tiếng hát bất tận từ hàng xóm là nỗi ám ảnh của không ít người, kể cả trên phạm vi Đông Nam Á.
Karaoke được cho là bắt nguồn từ Nhật Bản từ thập niên 1970, hiện tại đã rất phổ biến trên thế giới, bao gồm cả châu Á và Việt Nam nói riêng. Nhưng sau những sự việc đáng tiếc vì các bữa tiệc karaoke, các học giả và chính trị gia đang kêu gọi hành động, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn Đông Nam Á.
Tháng 2/2021, Kelvin Seah Kah Cheng - giảng viên kinh tế ĐH Quốc gia Singapore đã đăng tải một bài viết trên trang CNA, kêu gọi mọi người vặn nhỏ âm thanh khi hát karaoke - đặc biệt là trong giai đoạn phong tỏa đất nước. Trong một bài đăng mới đây trên Facebook, Jonvic Remulla - thống đốc tỉnh Cavite (Philippines) cũng kêu gọi công chúng trình báo các trường hợp ca hát karaoke quá to, gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
Tại TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết đã nhận được rất nhiều khiếu nại của người dân về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn vì karaoke, đặc biệt là sau 22h, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương phải hành động. Trong tuần qua, thành phố công bố kế hoạch sẽ chấm dứt sự tra tấn từ karaoke hàng xóm vào cuối năm 2021, bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của người dân cho đến cuối tháng 5, rồi tiến đến xử lý các trường hợp vi phạm.
Tác động từ tiếng ồn của karaoke tại Việt Nam vẫn chưa có bằng chứng cụ thể do chưa đủ nghiên cứu. Dẫu vậy, ô nhiễm tiếng ồn vẫn đang là một vấn đề khá nan giải - theo SCMP.
Một nghiên cứu năm 2017, có khoảng 10 - 15 triệu người tại Việt Nam trên tổng số 90 triệu dân đang phải đối mặt với tiếng ồn quá mức mỗi ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, ô nhiễm tiếng ồn có thể gây ra một số hệ quả đến sức khỏe, bao gồm ảnh hưởng thính giác, rối loạn giấc ngủ, cùng nhiều bất tiện trong cuộc sống.