Báo Pháp: Tập Cận Bình dùng "kế" của Putin để bám trụ quyền lực

Hải Võ |

Báo Le Figaro (Pháp) dẫn nguồn tờ New York Times của Mỹ bình luận, "tại Trung Quốc, Tập Cận Bình có thể nắm quyền lâu hơn 10 năm", chỉ thua Mao Trạch Đông.

Theo thông lệ xét từ các thế hệ lãnh đạo trước của Trung Quốc, sau Hội nghị trung ương 6 khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào 24-27/10, ông Tập Cận Bình về lý thuyết sẽ chỉ định người kế nhiệm mình vào năm 2022. Tuy nhiên, điều này có vẻ đang không xảy ra.

Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) dẫn phân tích của nhà Trung Quốc học hàng đầu nước này, ông Jean-Piere Cabestan từ Đại học Hồng Kông, nêu ra 2 kịch bản để ông Tập giữ quyền lực.

Một là Tập Cận Bình có thể giải thích, Trung Quốc cần ông để công cuộc cải tổ sâu rộng cho đất nước được thực hiện tới nơi tới chốn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế và xã hội có nhiều chuyển biến bất thường.

Kịch bản thứ hai là nhà lãnh đạo này vận dụng "trò chơi của Putin", nghĩa là ông Tập có thể "nhường" chức Chủ tịch Trung Quốc - vị trí lãnh đạo quốc gia - cho một người thân tín, những vẫn tìm cách tái đắc cử chức Tổng bí thư ĐCSTQ và qua đó tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy trung ương, nắm quyền lực về quân sự.

Năm 2008, Dmitry Medvedev - đồng minh thân cận của ông Vladimir Putin - đã đắc cử tổng thống Nga, trong khi Putin trở thành Thủ tướng và giữ cương vị này 4 năm, trước khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 của mình vào năm 2012.

Trên thực tế, mô hình này đã có trường hợp tương tự là nhà lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Dù đã thôi giữ chức Tổng bí thư ĐCSTQ sau Đại hội XVI của đảng này năm 2002, ông Giang vẫn giữ chức Chủ tịch Quân ủy đến năm 2004 trước khi chính thức chuyển giao "binh quyền" cho người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào.

Tuy vậy, ông Giang được cho là đã duy trì "quyền lực ngầm" với cả quân đội và chính trường Trung Quốc trong suốt giai đoạn cầm quyền của Hồ Cẩm Đào. Chỉ đến khi Tập Cận Bình nắm quyền, sự ảnh hưởng này mới loãng dần.

Báo Le Figaro cho rằng hiện nay ông Tập vẫn chưa hoàn toàn loại bỏ được những rủi ro có thể đe dọa tham vọng tiếp tục điều hành Trung Quốc sau năm 2022.

Đến Đại hội XIX của ĐCSTQ vào mùa thu 2017, 5 trong số 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc sẽ về hưu, trừ Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Đây là cơ hội để ông Tập đề bạt những người thân cận vào ban lãnh đạo cao nhất.

Tuy nhiên, ông cần xử lý hậu quả mà chiến dịch chống tham nhũng gây ra, đó là sự "đụng chạm" đến lợi ích chính trị và kinh tế của nhiều nhóm thế lực, bao gồm trong quân đội.

Ngoài ra, chính sách cải tổ kinh tế của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường trong ngắn hạn vẫn chưa mang lại kết quả mong đợi. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2015 đã rơi xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại