Báo Pháp ‘kinh ngạc’ trước sức mạnh của Nga ở Bắc Cực

Thanh Bình |

Le Point của Pháp nhận định, chỉ có Nga mới có thể hoạt động dọc theo toàn bộ chu vi của vùng Bắc Cực.

Theo đó, tạp chí này trích dẫn một nguồn tin trong chính phủ Pháp gọi khu vực này là “độc quyền” của Nga.

“Hiện tại, Moscow có thể triển khai lực lượng ở bất kỳ điểm nào trên Bắc Cực trong vòng 48-72 giờ”, Le Point dẫn lời của các chuyên gia cho biết.

“Gần đây, Nga đã cho nhảy dù cả một lữ đoàn ở nhiệt độ âm 30 độ”, Le Point trích lời một sĩ quan của quân đội Pháp, đồng thời lưu ý rằng đối với quân đội các nước còn lại trên thế giới thì đây là một “chiến công không thể đạt được”.

Ngoài ra, Nga có thể cung cấp dịch vụ vận chuyển khắp khu vực nhờ vào 77 tàu phá băng thuộc quyền sở hữu của nhà nước và tư nhân.

“Đến năm 2030, sẽ có hơn một trăm tàu ​​phá băng trong cả nước, bao gồm cả các tàu Bắc Cực thuộc lớp mới, có thể phá vỡ lớp băng dày tới 3 met”, Le Point cho biết.

Cũng theo Le Point, song song đó Nga đang tài trợ cho một dự án về một nền tảng khoa học nổi ở Bắc Cực có thể là báo hiệu của một trung tâm quân sự được triển khai trên biển với chi phí thấp.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn chiến lược phát triển vùng Bắc Cực của Nga và đảm bảo an ninh quốc gia đến năm 2035. Sắc lệnh tương ứng đã được công bố trên công báo chính thức ngày 26/10.

Cụ thể, văn kiện nêu rõ: “Phê duyệt chiến lược phát triển vùng Bắc Cực của Nga và đảm bảo an ninh quốc gia đến năm 2035”. Tổng thống Putin công bố kế hoạch tán thành chiến lược mới phát triển vùng Bắc Cực của Nga đến năm 2035 vào tháng 4/2019.

Văn kiện này gồm các biện pháp được quy định bởi các dự án quốc gia và các chương trình nhà nước, kế hoạch đầu tư của các công ty cơ sở hạ tầng cũng như các chương trình phát triển cho các vùng và thành phố ở Bắc Cực.

Bộ Phát triển vùng Viễn Đông và Bắc Cực của Nga đã đệ trình dự thảo chiến lược phát triển vùng Bắc Cực của Nga đến năm 2035 để chính phủ xem xét ngày 7/5. Văn kiện quy định việc thực hiện chính sách nhà nước của Nga ở Bắc Cực đến năm 2035 như được sắc lệnh của Tổng thống “bật đèn xanh” trước đó.

Chiến lược xác định các lĩnh vực và nhiệm vụ chính phát triển vùng Bắc Cực, cũng như các cơ chế, giai đoạn và kết quả dự kiến khi thực hiện chúng. Cùng với các vùng Bắc Cực và đại diện cộng đồng khoa học, bộ trên đã soạn thảo các điều khoản của chiến lược.

Giới chuyên gia cho rằng, chiến lược phát triển tại Bắc cực của Nga vốn đã được định hình và triển khai từ lâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ đang dồn sự tập trung vào cuộc bầu cử và căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc vẫn chưa được hạ nhiệt, thì đây là bối cảnh và thời điểm không thể thuận lợi hơn để Nga tăng tốc triển khai các kế hoạch củng cố quân sự, pháp lý và khai thác dầu mỏ tại các khu vực địa chiến lược.

Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu toàn cầu về năng lượng và khai thác Wood Mackenzie cũng như của các nhà khoa học Mỹ, Đan Mạch... Bắc Cực ước tính có trữ lượng lớn tài nguyên như khoảng 1.550 ngàn tỉ m3 khí đốt thiên nhiên đủ để cung cấp nhiên liệu xanh cho toàn thế giới trong 14 năm và khoảng 233 tỷ thùng dầu.

Trước diễn biến quá nhanh của biến đổi khí hậu, khu vực này bỗng trở thành điểm nóng bị các nước lớn tranh giành. Cuộc cạnh tranh địa chính trị diễn ra giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc tại đây ngày càng gay gắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại