Việc người tiêu dùng khắp thế giới có ý thức tiết kiệm hơn lại là thách thức lớn đối với sự phục hồi kinh tế khi sức tiêu thụ giảm mạnh.
"Bơm tiền" liên tục
Thủ tướng Pháp Jean Castex hôm 3-9 công bố kế hoạch của chính phủ giúp tạo ra 160.000 việc làm trong năm 2021 nằm trong một phần gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 120 tỉ USD. Kế hoạch này nhằm mục đích đưa Pháp trở lại mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 vào năm 2022 và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp.
Pháp đang chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1945 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 13,8% trong quý II/2020 và dự kiến giảm 11% đến cuối năm 2020 với 800.000 việc làm bị cắt giảm. Gói hỗ trợ dự kiến được triển khai dưới 2 hình thức gồm chi mới và ưu đãi thuế, cao gấp 4 lần khoản cứu trợ mà chính phủ nước này từng đưa ra để ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm miễn phí tại TP Chelsea, bang Massachusetts - Mỹ hôm 1-9. Ảnh: REUTERS
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 24-8 đã trình Hội đồng châu Âu đề xuất về kế hoạch hỗ trợ 81,4 tỉ euro (hơn 96 tỉ USD) cho 15 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp các nước này giảm thiểu tác động mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với thị trường việc làm.
Theo đó, các quốc gia này sẽ nhận được hỗ trợ thông qua chương trình Hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thất nghiệp trong trường hợp khẩn cấp (SURE), vốn được tạo ra nhằm giúp bảo vệ những người lao động bị ảnh hưởng. Đây là biện pháp để đối phó với sự gia tăng đột ngột các khoản chi tiêu công của mỗi quốc gia thành viên nhằm giải quyết tình trạng gia tăng tỉ lệ thất nghiệp ở các nước bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Phần lớn trong số 81,4 tỉ euro được dành ra hỗ trợ 2 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Ý và Tây Ban Nha, với lần lượt là 27,4 tỉ và 21,3 tỉ euro. Ba Lan được hỗ trợ khoảng 11,2 tỉ euro để duy trì các chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động. Trước đó, hồi tháng 4, các nhà lãnh đạo của khối này từng thông qua gói tài chính trị giá 540 tỉ euro để hỗ trợ các quốc gia và doanh nghiệp đối phó với đại dịch.
Tại Mỹ, quốc hội nước này hồi tháng 3 đã thông qua gói chi tiêu 2.200 tỉ USD theo Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES), gồm các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ phúc lợi bổ sung cho người thất nghiệp và một khoản tiền trực tiếp chuyển tới cho tất cả người dân Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã hạ lãi suất cho vay chuẩn xuống quanh mức 0%, đồng thời tung ra lượng thanh khoản trị giá hàng ngàn tỉ USD cho thị trường tài chính Mỹ. Tuy nhiên, hiện Nhà Trắng và quốc hội Mỹ vẫn bế tắc về gói chi tiêu khẩn cấp bổ sung nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ khỏi trì trệ sau khi gói cứu trợ kinh tế trên đã hết hạn cuối tháng 7.
Thách thức kích thích tiêu dùng
Hồi tháng 7, chính phủ Anh đã công bố một gói ngân sách trị giá 30 tỉ bảng (tương đương 39 tỉ USD) để hỗ trợ việc làm và trợ giúp những lao động trẻ, góp phần khởi động lại nền kinh tế sau thời gian ngừng trệ vì tác động của đại dịch. Theo kế hoạch này, doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ được trả 1.000 bảng (khoảng 1.329 USD) cho mỗi lao động trở lại làm việc sau khi chương trình nghỉ phép do dịch bệnh chấm dứt vào cuối tháng 10. Bộ trưởng Tài chính Anh cũng đề xuất giảm thuế GTGT với các hóa đơn sử dụng dịch vụ khách sạn, nhà hàng và du lịch, hỗ trợ giảm giá tạm thời cho các hoạt động ăn uống tại nhà hàng nhằm kích thích nhu cầu trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các biện pháp phong tỏa phòng dịch Covid-19.
Ông Michael Clark, chủ chuỗi cửa hàng đồ gia dụng Amy, cho biết nỗi lo vào thời điểm chuẩn bị mở cửa trở lại các cửa hàng ở thủ đô London hồi tháng 6 rằng khách hàng sẽ không chi tiêu nhiều như trước đây do bất an về kinh tế. Mối quan tâm của ông được ghi nhận trong một cuộc khảo sát của Hiệp hội Bán lẻ Anh (BIRA) trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Người tiêu dùng khắp thế giới đã có ý thức tiết kiệm hơn trước, đây sẽ là một cản trở lớn đối với sự phục hồi kinh tế và đòi hỏi chính phủ cùng với các ngân hàng trung ương theo dõi sát sao tình hình bệnh dịch để có những biện pháp kích cầu hợp lý.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-9
Tỉ lệ tiết kiệm ở Mỹ cao kỷ lục
Nhu cầu của người tiêu dùng bị giảm thiểu do mất việc làm. Khó có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với thói quen chi tiêu của người tiêu dùng nếu ngày càng có nhiều người tiếp tục làm việc tại nhà. Hiện tiền tiết kiệm của các hộ gia đình để chuẩn bị cho khủng hoảng sau đại dịch đã đẩy tỉ lệ tiết kiệm chung của Mỹ lên mức kỷ lục, chiếm tới 33% thu nhập.
Báo cáo năm 2012 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng chỉ ra rằng cuộc suy thoái năm 2008-2009 đã thúc đẩy tỉ lệ tiết kiệm lâu dài nhưng lại dẫn đến giảm tiêu dùng và tăng trưởng thấp hơn. Hơn nữa, nhiều hộ gia đình ở Mỹ phải chịu cảnh thu nhập sụt giảm mạnh khi khoản hoàn thuế một lần hết hạn vào tháng 5 và trợ cấp thất nghiệp mùa dịch kết thúc vào tháng 7.
Tổ chức Oxford Economics dự báo thu nhập của các hộ gia đình sẽ duy trì mức thấp trong suốt phần còn lại của năm. Tình hình trên buộc các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới phải khuyến khích chi tiêu bằng cách tăng các biện pháp nới lỏng giãn cách, cung cấp thêm các gói trợ cấp kinh tế hoặc thậm chí hạ lãi suất xuống âm phần trăm. Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở châu Âu.