Mới đây, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,21% của quý 1/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Mức tăng 3,21% của quý 1/2020 đã được điều chỉnh sau một thời gian công bố sơ bộ. Còn nếu tính tại thời điểm Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP tháng 1/2020 là ở mức 3,82%. Nếu so với với mức này thì quý 1/2023 tăng trưởng GDP thấp nhất lịch sử 12 năm.
Ngay khi Việt Nam công bố chỉ số này, một số hãng thông tấn, báo chí và trang tin thế giới đã có bài viết về số liệu này.
Hãng tin Reuters nêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại ở mức 3,32% trong quý đầu tiên, so với mức tăng 5,92% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 4 năm 202, do xuất khẩu điện thoại thông minh và thiết bị điện tử giảm mạnh.
“Quốc gia Đông Nam Á, một trung tâm sản xuất của khu vực, đã báo cáo tổng xuất khẩu giảm 11,9% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 so với một năm trước đó do nhu cầu toàn cầu suy yếu”, hãng tin này đề cập.
Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, hãng tin này cho biết "Kinh tế toàn cầu tiếp tục chứng kiến những diễn biến phức tạp và nhiều bất ổn". Lạm phát cao và sức cầu suy yếu tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam được cho là nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế quốc gia.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới và nhu cầu bên ngoài yếu đang gây thiệt hại cho nền kinh tế”, Reuters trích lời Capital Economics cho biết. Ảnh: Dy Khoa.
Nguồn thông tin của Tổng cục Thống kê được Reuters dẫn lại cho biết các lô hàng điện thoại thông minh, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đã giảm 15% xuống còn 13 tỷ USD trong quý đầu tiên so với một năm trước, trong khi các lô hàng điện tử giảm 10,9%.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới và nhu cầu bên ngoài yếu đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế”, Reuters trích lời Capital Economics nhận định.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, sản xuất công nghiệp trong quý đầu tiên đã giảm 2,3% so với một năm trước đó, trong khi doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 13,9%. Hãng tin này dẫn lại số liệu cho biết giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,23% so với tháng 2. Giá tiêu dùng bình quân quý 1 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.
“Việt Nam đang nhắm mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 6,5% trong năm nay, thấp hơn mức tăng trưởng cao nhất trong thập kỷ là 8,02% vào năm ngoái”, bài viết của Reuters có đoạn.
Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng này đã cắt giảm một số lãi suất chính sách để tăng thanh khoản và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số chứng khoán của Việt Nam đã mất 29% trong năm qua, theo dữ liệu của Refinitiv.
“Chúng tôi cho rằng hoạt động kinh tế sẽ vẫn yếu trong năm nay do bối cảnh nhu cầu bên ngoài đầy thách thức và tác động trễ của việc thắt chặt tiền tệ”, Reuters tiếp tục trích bình luận của Capital Economics.
Bài viết trên của Reuters được đăng lại trên các báo nổi tiếng như US News, Channel News Asia, Inquirer…
Tân Hoa Xã dẫn lời Ngân hàng Thế giới: Tăng trưởng GDP của Việt Nam, đối mặt với những trở ngại từ suy thoái toàn cầu, dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,3% vào năm 2023. Ảnh: Dy Khoa.
"Tăng trưởng GDP chậm do nhu cầu toàn cầu suy yếu"
Hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc) chạy dòng tít khi đề cập đến công bố GDP quý 1/2023 của Việt Nam: “Tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại khi nhu cầu toàn cầu đè nặng lên xuất khẩu”.
Bài viết này nêu, nền kinh tế Việt Nam trong quý đầu tiên tăng trưởng ở mức thấp thứ hai trong 12 năm qua do nhu cầu toàn cầu suy yếu đè nặng lên xuất khẩu. Tổng sản phẩm trong nước tăng 3,32% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, giảm so với mức 5,92% trong quý 4 và 5,03% trong quý 1 năm ngoái, Tân Hoa Xã dẫn lại số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Tiếp tục dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, bài viết cho biết thêm, chế biến và chế tạo, chiếm tỷ trọng 35,47% trong rổ, giảm 0,4% so với một năm trước đó, trong khi dịch vụ, nhóm lớn nhất, tăng 6,79% và nông nghiệp tăng 2,52%. “Nền kinh tế quý 1 đã đạt được những bước phát triển tích cực bất chấp những bất ổn toàn cầu”, Tân Hoa Xã dẫn lời Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương.
Tổng cục Thống kê cho biết xuất khẩu thủy sản giảm 29% so với một năm trước đó xuống còn 1,78 tỷ USD trong quý, trong khi xuất khẩu điện thoại thông minh, một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của cả nước, giảm 15% xuống còn 13 tỷ USD.
Nhìn chung, xuất khẩu của Việt Nam trong quý đầu tiên đã giảm 11,9% so với một năm trước đó xuống còn 79,2 tỷ USD, so với mức tăng hàng năm là 12,9% trong cùng kỳ năm ngoái.
“Tăng trưởng GDP của Việt Nam, đối mặt với những trở ngại từ suy thoái toàn cầu, dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,3% vào năm 2023, theo Ngân hàng Thế giới, sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái khi nền kinh tế tăng trưởng 8,02% nhờ tiêu dùng nội địa mạnh và sản xuất định hướng xuất khẩu”, tin phát của Tân Hoa Xã cho hay.