Mặc dù có chung biên giới với Trung Quốc, nhưng Việt Nam - nhờ vào những hành động quyết liệt từ ban đầu, xét nghiệm trên diện rộng, cách ly nghiêm túc và đoàn kết toàn quốc - đã tránh được những hậu quả nghiêm trọng như ở châu Âu và Mỹ.
Nhờ duy trì kiểm soát số người nhiễm, phản ứng của Việt Nam với cuộc khủng hoảng đã nhận được lời ca ngợi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WTO).
Các số liệu chính thức cho biết hiện tại có hơn 75.000 người đang được cách ly. Việt Nam đã thực hiện hơn 121.000 bài xét nghiệm và chỉ phát hiện hơn 260 trường hợp nhiễm bệnh.
Tới nay, Việt Nam vẫn chưa có ca tử vong nào vì COVID-19, và tỉ lệ lây nhiễm vẫn thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan (Trung Quốc) - tất cả những khu vực này đều đã được truyền thông thế giới ca ngợi vì khả năng kiểm soát dịch hiệu quả.
Ông Kidong Park, đại diện của WHO tại Việt Nam, tin rằng phản ứng sớm của Việt Nam đối với đại dịch là rất quan trọng.
"Việt Nam phản ứng với dịch từ sớm và rất tích cực. Những đánh giá rủi ro đầu tiên đã được thực hiện từ đầu tháng 1 - gần như ngay sau khi những ca bệnh đầu tiên tại Trung Quốc được xác nhận," ông Park nói.
Cầu Long Biên vắng người sau khi Việt Nam thực hiên cách ly xã hội. Ảnh: AFP
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch để ngay lập tức áp dụng các kế hoạch chống dịch trên toàn quốc.
Mặc dù có ít ca lây nhiễm, nhưng Việt Nam đã thực hiện cách ly xã hội toàn quốc từ ngày 1/4, một động thái sớm và nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác, nơi số ca lây nhiễm lên tới hàng nghìn trước khi có lệnh phong tỏa.
Ở nhiều nước, chính phủ phong tỏa toàn quốc vì sự lây lan của đại dịch. Việt Nam phong tỏa để tránh một cuộc khủng hoảng có thể phòng tránh.
Sự thành công của Việt Nam có thể kể tới sự đoàn kết toàn dân. Nhiều người Việt cho biết họ chưa từng chứng kiến sự tuân thủ, kỉ luật và đoàn kết tới vậy kể từ khi kết thúc chiến tranh.
Trường học ở Việt Nam đã tạm dừng hoạt động từ tháng 1, cách ly diện rộng đã thực hiện từ ngày 16/3. Kể từ đó tới nay, hàng chục nghìn người nhập cảnh Việt Nam từ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch đã phải cách ly bắt buộc. Tới ngày 25/3, các chuyến bay quốc tế đều ngừng hoạt động.
Một người dân chờ xét nghiệm tại Hà Nội. Ảnh: EPA
Hiện tại, chưa rõ liệu bao giờ các hạn chế di chuyển được gỡ bỏ. Hầu hết các chuyến bay nội địa, tàu hỏa và xe buýt đều ngừng hoạt động, và những người di chuyển từ vùng dịch sang khu vực khác đều phải cách ly.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc xác nhận có ca dương tính với SARS vào năm 2003 và cũng là quốc gia đầu tiên được WHO xác nhận kiểm soát được SARS.
Những quy trình truy dấu người tiếp xúc gần tại Việt Nam đã cho thấy hiệu quả trong cuộc chiến với đại dịch.
"Bước đầu tiên là cách ly và điều trị những người đã được xác nhận có dương tính hoặc có triệu chứng với virus," ông Park nói.
Bất kì ai tiếp xúc gần với một người dương tính cũng phải cách ly bắt buộc. Những người tiếp xúc gần với những người này cũng được yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Ở mức độ cao hơn, những khu vực, con đường, cộng đồng có người nhiễm bệnh cũng buộc phải cách ly.
Những biên pháp nghiêm ngặt cho tới nay đã cho thấy kết quả tốt. Việt Nam và các quốc gia với cách phản ứng tương tự có thể sẽ chứng tỏ tính hiệu quả của công tác phòng dịch trong thời gian tới.
"Chúng ta không thể dự đoán tương lai, nhưng chúng ta có thể nói rằng cuộc chiến với đại dịch sẽ được quyết định bởi những động thái mà các quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang thực hiện," ông Park nói.