Vài ngày trở lại đây, các tờ báo tiếng Anh như Daily Mail, Newsner hay World of Buzz đều đồng loạt đăng tải câu chuyện kỳ diệu xoay quanh một người đàn ông Việt Nam tên là Nguyễn Văn Nhật, 48 tuổi ở Quảng Trị. Sau một đêm cuối tháng 12 uống quá nhiều rượu bia, anh Nhật đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Không còn cách nào khác, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã cực chẳng đã đành phải dùng tới biện pháp cuối cùng, đó là dùng bia để bơm vào cơ thể anh Nhật.
Xưa nay người ta chỉ mới nghe tin rượu bia khiến người ta chết, chứ chưa thấy ai nói chúng có thể cứu sống con người.
Bơm bia vào bụng bệnh nhân bị ngộ độc rượu để cứu tính mạng nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng rất hiệu quả. (Ảnh: Newsner)
Chính vì thế, câu chuyện ngay lập tức được các tờ báo nước ngoài đưa tin.
Theo bác sĩ Lâm, đồ uống có cồn đi vào cơ thể theo 2 dạng là methanol và ethanol. Gan của chúng ta sẽ phân hủy chất ethanol trước, sau đó mới đến methanol.
Trong trường hợp của anh Nhật, khi chất methanol trong cơ thể anh bị oxy hóa đã tạo ra formaldehyde, rồi tạo thành axit formic, khiến anh bất tỉnh.
Khi nhập viện, nồng độ methanol trong máu của anh Nhật cao hơn mức cho phép thông thường là 1.119 lần, khiến bác sĩ phải bơm khẩn cấp 15 lon bia, tương đương 5 lít bia vào dạ dày để họ có thời gian lọc máu, ngăn chặn việc formadehyde trở thành axit formic.
Nhờ vậy, anh Nhật đã được cứu sống, và đã được ra viện sau 3 tuần.
Mặc dù đây không phải là cách cứu sống bệnh nhân thông thường, nhưng thực ra nó không phải là một thủ thuật mới.
Bác sĩ Hans-Jorg Busch, làm việc tại Bệnh viện trường Đại học Freiburg, Đức cho biết: "Biện pháp bơm 15 lon bia vào cơ thể bệnh nhân nghe hơi kỳ lạ, nhưng có thể hiểu được. Có lẽ các bác sĩ Việt Nam không có loại cồn nào khác lúc đó. Quan trọng hơn, biện pháp này đã được thực hiện ngay lập tức".
Sau 3 tuần được điều trị, anh Nhật đã được xuất viện. (Ảnh: Daily Mail)
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng biện pháp dùng bia để giải rượu chỉ nên được những người có chuyên môn thực hiện, cấm tự làm ở nhà vì khi đó không biết lượng cồn trong máu bệnh nhân ra sao, có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Mặt khác, đây cũng là lời cảnh báo cho những người khác phải biết làm chủ bản thân, không sa đà quá chén để tránh những tai nạn liên quan đến bia, rượu, nhất là trong dịp lễ tết, xuân về này.
Theo Newsner