Mới đây, chuyên trang tài chính Business Insider đã đăng tải bộ ảnh ấn tượng giới thiệu về làng nghề Quảng Phú Cầu ở Việt Nam. Làng Quảng Phú Cầu nằm ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nổi tiếng với nghề làm hương có tuổi đời hơn 100 năm.
Là một phần không thể thiếu trong văn hóa của ngày Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất que hương ở làng nghề này càng nhộn nhịp vào dịp trước Tết. Theo Insider, các nghệ nhân ở Quảng Phú Cầu làm ra khoảng 50.000 que hương mỗi ngày cho dịp Tết.
Mỗi dịp Tết, làng Quảng Phú Cầu lại ngập trong một "đại dương" sắc hồng
Ảnh: Hoàng Liên Son, Đinh Xuân Vũ/Insider.
Theo Insider, gần 3.000 hộ gia đình - khoảng 70% dân số thị trấn, hoạt động trong ngành sản xuất hương. Suốt nhiều thế hệ, nghề làm hương đã là sinh kế chủ yếu cho cư dân Quảng Phú Cầu. Tuy nhiên, vào năm 2019, một thay đổi lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu đã khiến mô hình kinh doanh phải thay đổi.
Ảnh: Hoàng Liên Son, Đinh Xuân Vũ/Insider.
Thời điểm đó, Ấn Độ - một trong những nhà nhập khẩu hương lớn nhất của Việt Nam, đã chuyển nhập khẩu hương của nước này từ trạng thái tự do sang hạn chế để thúc đẩy sản xuất nội địa.
Do nguồn cầu giảm, hoạt động kinh doanh hương ở làng Quảng Phú Cầu phải tìm kiếm thêm nguồn thu từ khách hàng trong nước và có thêm nhiều sáng tạo.
Nghệ nhân Nguyễn Thi trả lời phỏng vấn Insider.
"Ngày xưa thì gần như 100% dân làng đều làm (hương). Hiện nay ở làng chúng tôi, chỉ còn 2-3 nhà sản xuất lớn thôi" - Insider dẫn lời một nghệ nhân có tên Nguyễn Thi nói. Cũng theo anh, quá trình làm hương giờ đã nhanh hơn nhiều nhờ các cải tiến trong kỹ thuật, từ đó tăng từ 500 nén hương lên 50.000 nén hương/ngày. Hơn nữa, hương cũng được thiết kế dài hơn, thêm mùi và nhuộm màu đẹp mắt.
Một nén hương gồm chân hương và bột hương
Ảnh: Hoàng Liên Son, Đinh Xuân Vũ/Insider.
Phần chân hương được làm từ cây vầu và cây nứa trên rừng, rồi đem đi vót thô.
Chân hương được tạo bằng cách dùng máy chẻ, giúp nâng cao sản lượng lên hàng chục nghìn chân hương/ngày
Ảnh: Hoàng Liên Son, Đinh Xuân Vũ/Insider.
Sau khi chẻ, chân hương sẽ được chà xát, đánh bóng và cắt ra thành đúng chiều dài. Rồi sau đó, chân hương được chở đến các nhà sản xuất để tiếp tục nhuộm màu và làm các công đoạn tiếp theo.
Chân hương được nhúng vào thuốc nhuộm hồng hoặc đỏ
Ảnh: Hoàng Liên Son, Đinh Xuân Vũ/Insider.
2 màu nhuộm là đỏ và hồng có ý nghĩa sâu sắc. Màu hồng tượng trưng cho quốc hoa của Việt Nam - hoa sen, còn màu đỏ là màu cờ.
Sau đó, chân hương được xếp xòe ra tỉ mỉ và đem phơi khắp làng
Ảnh: Hoàng Liên Son, Đinh Xuân Vũ/Insider.
Theo anh Thi, hương chỉ cần phơi một nắng từ sáng đến chiều là xong.
Quá trình làm bột hương diễn ra ở nhà máy. Công thức là bí mật gia truyền, gồm bột cây trộn với than để ra màu đen đặc trưng
Ảnh: Hoàng Liên Son, Đinh Xuân Vũ/Insider.
Chân hương sau khi phơi khô được đưa vào máy phủ bột hương bên ngoài
Ảnh: Hoàng Liên Son, Đinh Xuân Vũ/Insider.
Thành phẩm được đóng thành các bó trong túi
Ảnh: Hoàng Liên Son, Đinh Xuân Vũ/Insider.
Nghề làm hương ở làng Quảng Phú Cầu là một truyền thống quý báu cần giữ gìn, vừa làm sinh kế giàu bản sắc, vừa là để tiếp tục bảo tồn văn hóa Tết.
Anh Thi cho biết thu nhập của mình vào dịp Tết đã chiếm hơn 40% doanh thu cả năm.