Tôi không bao giờ chán khi nhìn thấy những người lái xe ôm ở Thành phố Hồ Chí Minh, nằm ngủ trên chiếc xe của họ dựng bên đường, hay những người bán hàng rong trên xe đạp với đủ thứ hàng: từ cá vàng đến đồ mài dao.
Tháng trước, cuộc sống đường phố ở Việt Nam gần đây được thảo luận sôi nổi trên tờ San Francisco Chronicle, trong đó nói về "những con hẻm đa chức năng của người Việt", nơi mọi người gặp nhau trong những cuộc gặp gỡ tình cờ.
Tờ báo cho biết, điều đó hoàn toàn không giống với cái mà họ gọi là thành phố "kín cổng cao tường" của chính mình, được thiết kế để giữ mọi người ở trong nhà và giữ xe của họ hơn là chia sẻ không gian công cộng.
Người Việt, ngược lại, thường chia sẻ không gian công cộng, dùng chính khoảng sân trước cửa nhà mình làm quán hàng.
Nếu tôi cần sửa một chiếc áo, hoặc bơm chiếc lốp xe bị xẹp, tôi chỉ cần đi bộ đến con hẻm nơi có người thợ may và người thợ sửa xe máy kinh doanh ngay ở khoảng sân bên trước nhà.
Ảnh: Nikkei Asia Review
Matthew Desmond, một nhà xã hội học, từng nói về cuộc sống cá nhân khép kín ở Mỹ. "Chúng tôi không muốn đi xe buýt", ông nói với U.S. National Public Radio.
"Chúng tôi không thường xuyên muốn đăng ký cho con mình vào hệ thống trường công. Chúng tôi không cần phải chơi ở công viên công cộng hay bơi trong hồ bơi công cộng. Chúng tôi có câu lạc bộ riêng, trường học riêng. Chúng tôi có ô tô riêng", ông nói.
Nhưng hoàn cảnh sống của người Việt thường khiến họ khó có thể sống khép kín hay cá nhân như vậy. Với lối sống cùng chung 3 hay 4 thế hệ, thật khó để khép mình trong một không gian cá nhân.
Điều này cũng thể hiện khi COVID-19 bùng phát. Các con phố bị phong tỏa, những người hàng xóm sẽ sử dụng các nhóm Facebook để tổ chức giao hàng theo nhóm và chia sẻ thực phẩm dư thừa, chẳng hạn như chôm chôm từ trang trại của một người họ hàng.
Ảnh: Nikkei Asia Review
Ở những không gian chung của Thành phố Hồ Chí Minh, tôi bị đánh thức bởi tiếng nhạc đám ma của nhà hàng xóm lúc 5 giờ sáng, nhưng tôi cũng có những cuộc gặp gỡ tình cờ thú vị. Một ngày, khi đang đi bộ từ một sân quần vợt về, tôi nghe thấy ai đó gõ vào cửa sổ từ bên trong một nhà hàng. Một người bạn đã nhìn thấy ra tôi, vì vậy tôi đã cùng anh ấy ăn bạch tuộc và đậu bắp nướng.
Đó là một bữa ăn chung điển hình của người Việt. Ở nhà, mọi người cùng ngồi trên chiếc chõng tre, dọn ra những bát canh bầu hoặc đậu phụ nhồi.
Người Việt thường dạy dỗ trẻ nhỏ về việc tôn trọng và vâng lời người lớn tuổi. Một mặt, điều này có thể ngăn cản những đứa trẻ đặt câu hỏi không chỉ với cha mẹ mà cả giáo viên... Nhưng nó cũng buộc mọi người nhìn nhận bản thân mình trong mối quan hệ với những người khác và nhu cầu của họ, để nghĩ rằng tôi là một phần của một cộng đồng.
Càng trở nên giàu có, chúng ta càng dễ quên rằng mình đã được hưởng lợi từ một môi trường hỗ trợ mà những người khác có thể không được hưởng. Nó có thể lớn hay nhỏ, có thể là một người bạn lắng nghe những vấn đề của chúng ta, hay trường học và đường sá phục vụ nhu cầu của chúng ta... Hay đó chỉ là một con hẻm mà bạn ở gần những người hàng xóm ồn ào, nhưng đồng thời cũng hào phóng và hòa đồng.