Kế hoạch của Mỹ
Hiện nay, Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) Mỹ và Công ty Tên lửa và Điều khiển hỏa lực thuộc Tập đoàn Lockheed Martin đang phát triển tên lửa LRASM-A dành cho chiến hạm.
Tên lửa LRASM được phân thành 2 phương án, LRASM-A áp dụng sâu công nghệ tàng hình, tốc độ bay cận âm, có tầm bắn lớn. LRASM-B là dòng tên lửa siêu thanh có tính năng tương tự như chương trình hợp tác Nga - Ấn Độ BrahMos. Tuy nhiên, hiện nay LRASM-B đã bị đình chỉ nghiên cứu để tập trung vào LRASM-A, phương án có bước đột phá về mặt kỹ thuật tàng hình.
Về ưu điểm, LRASM-A có tầm bắn vượt trội hơn hẳn các loại tên lửa đối hạm hiện nay trên thế giới; mục đích của loại tên lửa này là nhằm tiêu diệt tàu sân bay, tàu mặt nước, tàu tiến công đổ bộ cỡ lớn, căn cứ phòng thủ bờ biển và căn cứ hải quân.
Theo thông tin được Lockheed Martin tiết lộ, LRASM-A dài 4,72 m, nặng 1.021 kg và được coi là một biến thể của tên lửa AGM-158B JASSM-ER. LRASM-A đã được bổ sung các thiết bị xen-xơ và hệ thống dẫn đường nhằm đảm bảo khả năng xuyên thủng lá chắn phòng thủ trên hạm của đối phương.
Điểm quan trọng nhất của LRASM-A là khả năng tích hợp hoàn toàn với hệ thống ống phóng Mk-41 trên chiến hạm. Ngoài ra, trong tương lai, LRASM-A còn có thể sẽ được lắp đặt trên máy bay ném bom chiến lược khi chúng được chuyển đổi sang thực hiện nhiệm vụ cấp chiến thuật.
Dù Mỹ vẫn chưa tiết lộ phiên bản LRASM-A sẽ được trang bị trên chiến hạm nào, tuy nhiên trong cuộc thử nghiệm hồi năm 2013, Hải quân Mỹ đã phóng thành công tên lửa này trên khu trục hạm lớp Arleigh Burke.
Và theo thông tin được Hải quân Mỹ công khai, việc lực lượng này trang bị LRASM-A cho chiến hạm là nhằm đối phó với những chiến hạm thế hệ mới của Trung Quốc trên Thái Bình Dương.
Tham vọng khó thành
Kế hoạch dùng tên lửa LRASM-A của Mỹ đã khá rõ ràng, tuy nhiên, theo nhận định của Tạp chí The Diplomat, dùng tên lửa LRASM-A để đối phó với chiến hạm Trung Quốc không bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng cho Mỹ.
Theo tạp chí Nhật Bản, lý do bởi Hải quân Trung Quốc đang sở hữu dàn chiến hạm có khả năng phòng thủ cực mạnh, trong đó đứng đầu là khu trục hạm phòng không Type 052C.
The Diplomat phân tích, mục đích thiết kế ban đầu của Type 052C là dành cho nhiệm vụ phòng không tầm xa để hộ tống tàu sân bay, tàu chiến trong hạm đội.
Vì thế, Type 052C được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến HHQ-9 cho phép tấn công tiêu diệt mục tiêu ở tầm xa tới 200km, độ cao tối đa 30km. Theo một số nguồn tin, đạn tên lửa HHQ-9 cũng có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở tầm xa 30km.
Đạn tên lửa HHQ-9 được đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng (6 cụm, 48 ống) nằm ở boong tàu phía trước. Tên lửa sẽ bắn theo nguyên tắc "phóng lạnh", tức là quả đạn sẽ được đẩy ra khỏi ống phóng rồi động cơ mới kích hoạt ở độ cao thấp. Phương pháp phóng đạn này giúp giảm thiểu thiệt hại cho cấu trúc thân tàu khi động cơ rocket khởi động.
Với hệ thống HHQ-9, Type 052C được xem là lớp chiến hạm đầu tiên của Hải quân Trung Quốc có khả năng phòng không tầm cao, tầm xa.
Trước đó, hầu hết các chiến hạm của Trung Quốc đều chỉ có năng lực phòng không tầm thấp, tầm trung. Chỉ với hệ thống HHQ-9, các khu trục hạm Type 052C hoàn toàn có khả năng đánh chặn được tên lửa LRASM-A của Hải quân Mỹ.
Ngoài ra, để chống mục tiêu mặt nước, tác chiến chống ngầm đa năng như vậy, Type 052C được trang bị hệ thống chiến đấu tiên tiến hơn nhưng không rõ tên gọi, thông số.
The Diplomat dẫn thông tin từ trang Sinodefence, hệ thống chiến đấu của Type 052C gồm nhiều thành phần phụ hợp thành: hệ thống radar mạng pha; hệ thống kiểm soát và quyết định; hệ thống hiển thị chiến trường và hệ thống điều khiển hỏa lực.
Cách bố trí của hệ thống này tương đương với thành phần của hệ thống chiến đấu Aegis. Vì vậy, kế hoạch dùng tên lửa LRASM-A để khống chế Trung Quốc trên Thái Bình Dương chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng với Mỹ, tạp chí The Diplomat kết luận.