Trong một bài bình luận đăng tải ngày 28/6, tờ Hindustan Times (Ấn Độ) cho rằng, New Delhi cần coi thương mại là vũ khí quan trọng nhất để đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh tình hình biên giới song phương leo thang căng thẳng.
Theo tờ này, do Ấn Độ thiếu một chiến lược thống nhất giữa quân sự, kinh tế và ngoại giao nên thách thức tại dãy Himalaya cũng ngày trở nên phức tạp hơn.
Thủ tướng Narendra Modi cho phép thặng dư thương mại Ấn -Trung lên tới 60 tỷ USD trong khi thặng dư thương mại Ấn-Mỹ chỉ bằng một nửa con số này. Trong bối cảnh, Trung Quốc có khuynh hướng biến thương mại mậu dịch trở thành vũ khí chính trị như trong trường hợp phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD, tại sao Ấn Độ không sử dụng vũ khí thương mại mạnh nhất này để đối phó Bắc Kinh, Hindustan Times đặt câu hỏi.
Tờ này cũng kiến nghị, New Delhi không nên tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc, bởi trên thực tế xung đột mới phát sinh tại biên giới Trung-Ấn vừa qua cũng là một "hình thức tấn công tương đối nhẹ".
Điều này giống như việc Bắc Kinh mở rộng tầm kiểm soát (trái phép) trên biển Đông, Hindustan Times cho rằng, New Delhi cần tăng cường sức mạnh phòng ngự, hạt nhân và tên lửa để đối phó với Bắc Kinh.
Trong khi đó, tờ Sputnik (Nga) nhận định, việc xung đột biên giới Ấn-Trung xảy ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Modi thăm Mỹ không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Mục đích thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ là nhằm nhận được sự ủng hộ về mặt tinh thần của Washington trong đối trọng với Bắc Kinh tại châu Á, trước hết là ở Nam Á. Kết quả mở rộng hợp tác quân sự Ấn-Mỹ đạt được trong hội nghị thượng đỉnh song phương tất sẽ tạo nên một vòng căng thẳng mới trong quan hệ Trung-Ấn, báo Nga bình luận.