Truyền thông Nga, bản hợp đồng này được nhà sản xuất Antonov ký kết với tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AICC). Theo đó, một phái đoàn của Antonov đang có mặt ở Bắc Kinh hội đàm với AICC về việc hợp tác chế tạo máy bay An-225, có việc đàm phán bán lại chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới khi chỉ có 1 chiếc như vậy đang hoạt động.
Ngoài ra, cuộc đàm phán còn bàn việc hợp tác chế tạo máy bay vận tải Antonov tại Trung Quốc, kể cả sản xuất loại An-225 theo giấy phép Ukraine. Tuy nhiên, đến ngày 31/8, tập đoàn Antonov ra thông cáo nói rằng việc bán chiếc An-225 là chưa thể kết luận đến khi phái đoàn của họ về nước.
Trước đó, đài CCTV của Trung Quốc và hãng Sputnik đưa tin Antonov và AICC ngày 30/8 đã ký thoả thuận về việc chuyển giao chiếc máy bay An-225 duy nhất trên thế giới cho AICC sử dụng và hai bên đã đàm phán về vấn đề này từ tháng 5/2016.
Thậm chí CCTV còn nói rằng Ukraine chuyển giao công nghệ và tài liệu của An-225 cho Trung Quốc, kể cả phần động cơ. Và dự kiến nửa đầu năm 2019 chiếc An-225 do Trung Quốc chế tạo sẽ cất cánh bay thử! Tuy nhiên, thông tin này chưa được phía Ukraine xác nhận.
Và nếu hợp đồng bán máy bay và giấy phép sản xuất An-225 cho Trung Quốc được xác thực thì đây là món hời lớn tiếp theo sau hàng loạt công nghệ quốc phòng được Kiev chuyển giao cho Bắc Kinh.
Tính đến nay, sản phẩm đình đám nhất Trung Quốc mua được từ Ukraine chính là tàu Varyag năm 1998, sau này được hoán cải thành tàu sân bay Liêu Ninh. Chưa bằng lòng, để phát triển loại tiêm kích dành cho tàu Liêu Ninh, Bắc Kinh cũng đã mua được nguyên mẫu duy nhất của Su-33 từ Kiev, sau đó đã phát triển thành tiêm kích J-15.
Ngoài ra, việc Trung Quốc phát triển thành công tên lửa DF-41 cũng được cho rằng có dấu ấn rất lớn từ Ukraine. Và mới đây nhất là hồi đầu năm 2015, khi Ukraine ra mắt máy bay vận tải An-178, Trung Quốc lập tức công khai ý định muốn mua loại máy bay này từ Kiev.
Tuy nhiên, hợp tác giữa Bắc Kinh và Kiev không chỉ có vậy và chắc chắn Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm những vũ khí, công nghệ và cả lợi nhuận kinh tế từ Ukraine, tờ Tin kinh tế Đức nhận định.
Theo tờ báo này, Trung Quốc những năm gần đây đã tăng cường các quan hệ kinh tế với Ukraine, còn hiện tại thì đang tích cực kiếm tìm lợi nhuận trong bối cảnh khủng hoảng.
Năm 2014, Bắc Kinh đã có thể mua các công ty, xí nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp Ukraine với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí còn rẻ hơn vì chiến sự. Ở Ukraine, Trung Quốc quan tâm hàng đầu đến lĩnh vực nông nghiệp. Đầu 2013, Bắc Kinh đã muốn thuê 5% đất nông nghiệp của Ukraine.
Đến đầu tháng 7/2015, Ukraine đã trở thành nhà xuất khẩu lương thực lớn nhất cho Trung Quốc. Kể từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, thương mại nông nghiệp giữa Ukraina và Trung Quốc đã tăng 56%.
Song song với nông nghiệp, Trung Quốc đầu tư mạnh vào kinh doanh xây dựng tại Ukraine, với số tiền lên đến 15 tỷ USD. Xét về danh nghĩa, đây là số tiền Trung Quốc cho Ukraine vay, nhưng với điều kiện là các nhà thầu đại lục sẽ tham gia vào quá trình xây dựng các công trình dân sinh tại đất nước này.
Điều đáng nói là sự gần gũi của Trung Quốc đối với Ukraine diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Ukraine đang ngày càng căng thẳng. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn “im hơi lặng tiếng” về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bắc Kinh thậm chí còn ngầm ủng hộ Moskva bằng cách không phản đối việc Nga sáp nhập Crimea, "giúp đỡ" Moskva thách thức phương Tây khi thúc đẩy một loạt hợp đồng lớn mua dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Trong bài bình luận về mối quan hệ giữa Nga-Ukraine-Trung Quốc, Samuel Ramani, chuyên gia nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại trường Cao đẳng St. Antony, thuộc Đại học Oxford chỉ ra rằng, chiến lược của Bắc Kinh là duy trì mối quan hệ thực dụng không liên kết trong không gian hậu Xô Viết.
Nước này nhận ra lợi ích của việc cân bằng các mối liên kết thương mại với cả Nga và Ukraine, đặc biệt là muốn chiếm giữ lợi thế nhập khẩu giá rẻ từ nền kinh tế khủng hoảng ở Kiev.
Thường người ta sẽ cho rằng cuộc xung đột Ukraine sẽ giúp Nga - Trung bắt tay nhau chống lại phương Tây. Thực tế, Ukraine lại trở thành một khu vực cạnh tranh kinh tế giữa hai cường quốc thay vì một cơ sở cho việc hợp tác lâu dài.
Và rõ ràng, Trung Quốc đang chơi trò hai mặt tại Ukraine và nhờ đó Bắc Kinh được hưởng lợi nhất từ cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.