Theo báo cáo của Interfax, có khoảng 3.500 khẩu súng, hơn 3.100 quả bom, mìn, 2 triệu đạn dược, khoảng 34.000 thiết bị kích nổ, 52.000 tên lửa và 5.380.000 đầu đạn giả đã được vận chuyển vào Ukraine.
Theo Interfax, việc chuyển giao vũ khí được thực hiện vào ngày 30/8 tại trạm kiểm soát cửa khẩu Krakovets thuộc tỉnh Lviv, Ukraine.
Hãng tin Interfax cho biết, lượng vũ khí khổng lồ được gửi đến đơn vị quân đội A-4150 đóng tại làng Starichi, Lviv, Ukraine từ một căn cứ quân sự ở thành phố Syracuse, New York, Mỹ. Địa chỉ cơ sở chuyển giao vũ khí được ghi nhận là đường Thompson, 6900.
Ukraine và Mỹ bắt đầu gia tăng hợp tác quân sự từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Tháng 12/2017, chính phủ Mỹ đã thông qua quyết định chuyển giao vũ khí cho Kiev, trong danh sách bàn giao bao gồm cả các hệ thống tên lửa chống tăng di động Javelin.
Ngày 31/8, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Ukraine, ông Kurt Volker cho biết Washington sẽ cung cấp thêm vũ khí sát thương cho chính quyền Ukraine, nhằm giúp quốc gia này củng cố lực lượng hải quân và không quân.
Quy chế về Buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) và Luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí (AECA) là sản phẩm hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh.
Chúng ra đời trong năm 1976 với mục tiêu kiểm soát xuất khẩu vũ khí Mỹ sang các nước thuộc khối Đông Âu, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và góp phần thực hiện các mục tiêu chính sách ngoại giao của nước này.
ITAR và AECA kiểm soát toàn bộ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng và dịch vụ quốc phòng được nêu trong Danh sách trang thiết bị vũ khí, khí tài, đạn dược quân sự Hoa Kỳ (USML).
Theo quy định của ITAR, những loại vũ khí như súng hơi cay, lựu đạn choáng, đạn cao su được xếp vào dạng vũ khí phi sát thương, còn tất cả các loại vũ khí khác như súng đạn, xe tăng, máy bay chiến đấu, tên lửa, tàu chiến được xếp vào dạng vũ khí sát thương.