Theo tờ Al Bawaba, khi cuộc chiến ở Libya ngày một kéo dài và dường như không có hồi kết, thì lợi ích của các quốc gia can dự vào cuộc xung đột này cũng trở nên rõ ràng hơn.
Trên thực tế các thế lực ngầm đứng đằng sau Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Faiz Saraj hay Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar đều không ngần ngại thể hiện rõ vai trò cũng như lợi ích mà họ muốn đạt được trong và sau cuộc xung đột ở Libya.
Ở Libya, lợi ích của các nước tác động trực tiếp đến cục diện của cuộc chiến, bởi họ nhìn thấy được tiềm năng to lớn từ nguồn tài nguyên thiên nhiên và các dự án tái thiệt trị giá hàng tỷ USD ở quốc gia Bắc Phi này. Và để có thể chạm tay được vào "miếng bánh" này họ phải là bên chiến thắng.
Để có thể chạm tay được vào "miếng bánh" Libya, Thổ Nhĩ Kỳ phải là kẻ thắng trong cuộc chiến này. Ảnh: Reporter.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sự can dự tích cực của Ankara vào cuộc chiến gắn liền với lời hứa của Thủ tướng Saraj về các hợp đồng tái thiết và xây dựng, ước tính trị giá hơn 25 tỷ USD. Các hợp đồng này gần như bị đóng băng sau khi xung đột giữa GNA và LNA bùng phát trở lại vào năm 2014.
Còn theo tờ Topcor của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng cứu lấy tiền của họ bằng cách can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Lybia, có thể dễ dàng nhận thấy điều này qua việc Ankara gửi hơn 10.000 lính đánh thuê từ Syria sang Libya chỉ trong vài tháng qua. Cùng với đó là viện trợ quân sự không giới hạn cho lực lượng GNA.
Được Thổ Nhĩ Kỳ tiếp sức, GNA từ bờ vực thẳm trỗi dậy mạnh mẽ khi đẩy lùi được hầu hết các mũi tấn công của Quân đội Quốc gia Libya đang vây chặt thủ đô Tripoli, thậm chí họ còn tái chiếm lại nhiều khu vực chiến lược. Điển hình như chiến thắng của GNA tại căn cứ không quân al-Watiya, cách Tripoli 140km về phía Tây Nam.
Mặc dù, mức độ can dự của Ankara vào cuộc chiến ở Libya ngày càng tăng nhưng họ sẽ không mạo hiểm đưa quân đội của mình đến Bắc Phi, việc sử dụng các công ty quân sự tư nhân cho cuộc chiến này đối với Thổ Nhĩ Kỳ là quá tốn kém. Giải pháp được Ankara đưa ra đó là sử dụng các tay súng thánh chiến vốn nhan nhản ở Idlib, Syria.
Giải pháp trên đối với người Thổ như "một mũi tên bắn trúng hai đích", một mặt họ giải được bài toán nhân lực ở Libya, mặt khác có thể dần loại bỏ ảnh hưởng của lực lượng thánh chiến ở Syria hoặc ít nhất khiến chúng phải phục tùng Ankara.
Ở phía bên kia chiến tuyến, UAE, Ai Cập, Saudi Arabia và Nga đều có lợi ích gắn liền với sự tồn vong của tướng Khalifa Haftar.
Có thể nói, cục diện chiến trường Libya đang ở thế cân bằng sau trận al-Watiya, trong thời tới GNA và cả LNA đều sẽ tìm cách giành lại thế chủ động bằng các chiến dịch quân sự mới. Ví dụ rõ nhất là việc LNA sẽ phát động chiến dịch không kích lớn nhất từ trước tới sau khi đưa vào trang bị hàng loạt chiến đấu cơ mới do Nga chế tạo.