Trên cơ sở phóng sự của Truyền hình QPVN về dự án phát triển tên lửa "Made in Vietnam", trang tin quân sự tiếng Nga Topwar.ru vừa có bài bình luận về những bước tiến mới của công nghiệp quốc phòng (CNQP) nước ta và đánh giá việc Việt Nam chế tạo thành công nhiều loại tên lửa bằng nguồn lực trong nước để sớm gia nhập "CLB Tên lửa" Thế giới.
Theo đó, bất kỳ quốc gia nào tiềm lực tải chính đủ mạnh và ít bị tác động bởi các yếu tố chính trị thì đều có thể dễ dàng mua sắm một số loại tên lửa có sẵn trên thị trường thế giới, từ tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không, tên lửa diệt hạm, thậm chí cho tới cả tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, để sở hữu công nghệ chế tạo và sản xuất ra tên lửa lại là vấn đề hoàn toàn khác, không phải cứ quốc gia lắm của, nhiều tiền nào cũng có thể nắm được.
Việt Nam phóng thử nghiệm tên lửa đẩy TV-01. Ảnh: QPVN
Hiện nay, bí quyết công nghệ chế tạo tên lửa đỉnh cao chỉ có một số quốc gia sở hữu được mà thôi, có thể kể đến Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, những công nghệ hàng đầu như vậy thường sẽ được quốc gia sở tại giữ bí mật tuyệt đối, rất hiếm khi chia sẻ, trừ khi có những thỏa thuận đặc biệt.
Nhưng, thật ngạc nhiên, Việt Nam đang có những bước tiến thần kỳ để rút ngắn khoảng cách với các cường quốc bằng chính nội lực của mình.
Theo đó, một nhóm các nhà khoa học thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Khoa học và công nghệ thuộc Hiệp hội Vũ trụ Việt Nam cùng với Trung tâm vệ tinh Quốc gia đã bắt tay vào nghiên cứu Dự án VT/TLĐ/14-15.
Mục đích của Dự án là phát triển tên lửa đẩy "Made in Vietnam". Hiện giai đoạn phóng thử đã được tiến hành với mẫu tên lửa 3 tầng mang tên TV-01. Độ cao phóng thử đạt tới 4.000m và sẽ còn tiến cao hơn nữa.
Hoạt động nghiên cứu tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Ảnh: QPVN.
Tham vọng của dự án là thiết kế và chế tạo thành công một dòng tên lửa đẩy để phóng vệ tinh cỡ nhỏ vào quỹ đạo địa tĩnh của trái đất phục vụ mục đích thông tin liên lạc.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ quốc gia nào khác, việc ứng dụng thành công tên lửa trong lĩnh vực dân sự có thể ứng dụng sang lĩnh vực quân sự vào ngược lại. Việt Nam cũng vậy.
Topwar.ru chỉ rõ, vào ngày 11/10 vừa qua, truyền hình QPVN đã giới thiệu hình ảnh ghi lại quá trình phóng thử nghiệm 1 tên lửa đẩy mà dường như được thiết kế cho nhiệm vụ chiến đấu. Phiên bản tên lửa được mang tên TV-02.
Điều đó cho phép chúng ta có thể nói Việt Nam đang trên đà gia nhập "Câu lạc bộ Tên lửa" - nơi hội tụ các quốc gia tự chế tạo được vũ khí tên lửa.
Công nghệ vũ trụ là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam, tuy vậy, với sự quyết tâm của các nhà khoa học tới từ nhiều đơn vị cả trong và ngoài quân đội, chúng ta đã có những thành tựu bước đầu đáng khích lệ.
Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều mẫu tên lửa "Made in Vietnam" hiện đại được sử dụng trên thực tế trên cơ sở những tên lửa mẫu thử nghiệm như hiện tại. Tất nhiên, để đến được lúc đó, cần phải có thêm thời gian, mọi thứ phải có cơ sở vững chắc, không thể đốt cháy giai đoạn.