Không quân Armenia ở đâu giữa lúc chiến sự Nagorno-Karabakh căng thẳng?
Theo tờ Svpressa của Nga, những diễn biến trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh cho tới thời điểm hiện tại cho thấy một một kết quả là lực lượng Armenia hứng chịu tổn thất nặng nề cả về người lẫn trang bị sau hơn 6 tuần giao tranh, ở bên kia chiến tuyến Azerbaijan dù có thiệt hại nhưng vẫn ít hơn.
Dựa vào mức độ và quy mô của cuộc chiến, Victor Sokirko - cây bút chuyên viết mảng quân sự của Svpressa đặt ra câu hỏi: Không quân Armenia đang ở đâu khi phòng tuyến của họ ở Karabakh đang dần "sụp đổ"?
Theo Victor Sokirko, Không quân Armenia gần như không hoạt động ở Karabakh trong giai đoạn chiến sự diễn ra ác liệt nhất cho dù họ có đủ khả năng hỗ trợ cho lực lượng đồng minh.
Trước khi xung đột nổ ra, Không quân Armenia có trong biên chế khoảng 80 máy bay quân sự các loại, trong đó có 14 chiếc cường kích Sukhoi Su-25 (một chiếc bị bắn hạ ở Karabakh vào ngày 29/9) và bốn tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30SM. Số máy bay còn lại gần như không thể tham chiến.
Sokirko cho biết Su-30SM giống như những "viên ngọc quý" của Không quân Armenia, với lô máy bay đầu tiên được phía Nga chuyển giao vào cuối năm 2019. Yerevan có kế hoạch mua ít nhất 12 chiến đấu cơ loại này.
Tiêm kích đa năng Su-30SM được xem như những "viên ngọc quý" của Không quân Armenia. Ảnh: azatutyun.am.
Được biết, hợp đồng Su-30SM của Armenia nhận được khá nhiều ưu đãi từ phía Nga từ hỗ trợ đào tạo phi công, hậu cần cho đến mức giá của mỗi chiến đấu cơ. Cụ thể, toàn bộ số Su-30SM mà Yerevan mua từ Moscow đều được bán theo đơn giá dành cho Không quân Nga dựa theo hiệp ước giữa các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết, những chiếc Su-30SM có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khả năng phòng vệ của nước này và là "xương sống" của Không quân Armenia trong tương lai.
Tuy nhiên, theo Sokirko, dù được đánh giá là có sức mạnh thuộc hàng top trong các dòng chiến đấu cơ thế hệ 4 thế nhưng Su-30SM gần như không giữ bất cứ vai trò nào đối với lực lượng phòng vệ của Armenia suốt thời gian xảy ra xung đột ở Karabakh.
"Phi đội Su-30SM của Armenia nằm yên trong nhà chứa máy bay tại căn cứ không quân Shirak ở Gyumri và không có bất cứ động tĩnh nào", Sokirko nhận định
Theo cây bút Sokirko nguyên nhân khiến Không quân Armenia án binh bất động cũng như "giấu kỹ" những chiếc Su-30SM xuất phát từ hai điểm sau:
Thứ nhất, sở hữu dĩ Armenia không tung Su-30SM vào trận là vì Không quân Azerbaijan hoạt động khá hạn chế ở Karabakh cho dù họ sở hữu số lượng lớn chiến đấu cơ như MiG-29 (12 chiếc) và Su-25 (12 chiếc). Việc Su-30SM xuất hiện ở Karabakh có thể sẽ khiến Không quân Azerbaijan mở rộng hoạt động của họ trong khu vực.
Ngoài ra, Armenia cũng lo ngại tới việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai F-16 ở Azerbaijan, không loại trừ khả năng Ankara sẽ hỗ trợ cho Baku nếu như không quân các bên tham chiến.
Lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở khi Bộ Quốc phòng Armenia phát đi thông báo một chiếc Su-25 của họ bị F-16 bắn hạ ở Karabakh vào ngày 29/9, chỉ hai ngày sau khi Azerbaijan mở các cuộc tấn công đầu tiên vào đường ranh giới kiểm soát (LOC).
Những gì còn sót lại của chiếc Su-25 Armenia bị bắn rơi ở Nagorno-Karabakh ngày 29/9, chỉ vài ngày sau khi xung đột nổ ra. Ảnh: The Straits Times.
Thứ hai, tuy Su-30SM là một chiến đấu cơ đa năng có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ từ trinh sát, không chiến, tấn công mặt đất cho đến chống hạm thế nhưng việc sử dụng nó để đối phó UAV của Azerbaijan có vẻ là thử thách hơi quá sức cho dù khả thi.
Còn về việc sử dụng Su-30SM để hỗ trợ cho lực lượng mặt đất thì Armenia có lựa chọn khác tốt hơn là Su-25 nhưng họ đã không làm vậy.
Armenia không cho Su-30SM tham chiến vì sợ mất máy bay?
Ngoài những nguyên nhân kể trên, Victor Sokirko dẫn một số nguồn tin riêng cho biết, sở dĩ Không quân Armenia không muốn phi đội Su-30SM tham chiến là vì họ không có đủ số phi công và lo sợ chiến đấu cơ này bị đối phương bắn hạ. Tuy nhiên, nguồn tin này vẫn chưa được kiểm chứng.
Theo nguồn tin của Sokirko, Bộ Quốc phòng Armenia không có bất cứ học viện hay cơ sở đào tạo phi công quân sự nào có đủ khả năng để đào tạo phi công vận hành những chiếc Su-30SM. Toàn bộ số phi công Armenia có thể lái được chiến đấu cơ này đều được đào tạo ở Nga, khi trở về nước họ lại trở thành những giảng viên bất đắc dĩ làm nhiệm vụ đào tạo các phi công trẻ.
Đích thân Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ra sân bay Shirak để đón những chiếc Su-30SM đầu tiên của nước này vào cuối năm 2019. Ảnh: Diario Armenia.
Với thông tin này, nhiều khả năng ở thời điểm xung đột nổ ra, Không quân Armenia đã có trong tay vài phi công có thể vận hành tốt Su-30SM, rõ ràng đây là "tài sản" cực kỳ quý đối với họ. Việc mạo hiểm tận dụng số phi công này có thể khiến Yerevan trả giá đắt trong tương lai.
Ở một khía cạnh khác, đối với tiềm lực của Yerevan có thể nói Su-30SM là một thứ vũ khí đắt đỏ kể cả khi họ được người Nga trợ giá. Việc để đối phương bắn hạ một máy bay thôi cũng là tổn thất quá lớn cho Không quân Armenia.
Cần phải nói thêm là kể từ khi dòng chiến đấu cơ Sukhoi Su-30 được Không quân Nga đưa vào trang bị (1992) cho tới nay nó chưa từng bị phòng không đối phương bắn hạ lần nào. Trong khi đó, Azerbaijan lại sở hữu các hệ thống phòng không S-300PMU2 tiên tiến, chúng là mối đe dọa lớn đối với Su-30SM của Armenia.
Tuy nhiên, Victor Sokirko cũng thừa nhận rằng dù Su-30SM là một thứ vũ khí mạnh mẽ nhưng sự xuất hiện của nó khó có thể giúp Armenia xoay chuyển cục diện chiến trường trước lực lượng Azerbaijan vốn vượt trội hơn về mọi mặt. Dù vậy, người Azerbaijan có lẽ cũng càm thấy may mắn khi họ không phải bận tâm về Su-30SM ở Karabakh.
Tiêm kích đa năng Su-30SM của Không quân Armenia trong huấn luyện bay.