Báo Nga: Phương Tây bênh vực "mù quáng", Ukraine mới "được nước" lộng hành

Quốc Vinh |

Một câu hỏi được đặt ra trong vụ va chạm vào tuần trước là vì sao tình báo của Ukraine lại có mặt trên con tàu mà phía Nga bắt giữ?

Cây bút Finian Cunningham của tờ RT cho rằng, với việc Mỹ, EU và NATO cùng tuyên bố hành động của Nga là "xâm lược" bất chấp sự thật, điều này sẽ khuyến khích chính quyền Kiev tăng cường những động thái liều lĩnh dẫn đến chiến tranh toàn diện.

Theo Cunningham, không thể chối bỏ được một điều rằng ba tàu của Ukraine được gửi đi vào cuối tuần trước để kích động một phản ứng an ninh từ các lực lượng biên giới hàng hải của Nga.

Trái ngược với các thủ tục thông thường khi đi qua eo biển Kerch, các tàu chiến Ukraine từ chối giao tiếp với lực lượng kiểm soát của Nga và hành động đe dọa bên trong lãnh thổ Biển Đen mà Nga tuyên bố nắm chủ quyền.

Phương Tây bênh vực mù quáng?

Tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 26/11, Mỹ, Anh và Pháp đã không chịu lắng nghe mọi lý lẽ pháp lý của Nga về lý do tại sao nước này buộc phải bắt giữ các tàu của Ukraine và 24 thủy thủ.

Các cường quốc phương Tây đã tự động đứng về phía lý lẽ của Tổng thống Petro Poroshenko với tuyên bố rằng, hải quân Ukraine bị Nga tấn công một cách vô lý.

Mỹ, EU và NATO lên án "sự xâm lược" của Nga và yêu cầu các tàu và thuyền viên Ukraine được trả về ngay lập tức, mặc dù theo luật pháp Nga, hành vi này có thể bị truy tố.

Trong quan điểm của mình, cây bút Cunningham cho rằng, đó là sự từ chối của phương Tây trong việc thừa nhận sự thật của vấn đề. Nga liên tục bị buộc tội cố tình "sáp nhập" Crimea vào năm 2014 thay vì các cường quốc phương Tây thừa nhận rằng bán đảo này đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để tách khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga.

Về cơ bản, các tàu đi qua eo biển Kerch giữa đất liền của Nga và Crimea có nghĩa vụ thông báo cho Nga về việc kiểm soát hàng hải. Khi các tàu hải quân Ukraine vi phạm các thủ tục pháp lý và bước qua giới hạn lãnh hải của Nga, hành động như vậy mới được coi là khiêu khích chứ không phải phản ứng của Nga là sự khiêu khích, nhà phân tích Cunningham chỉ ra.

Hơn nữa, đã có những bằng chứng cho thấy tàu Ukraine đã được sắp xếp cho mục đích kích động ngay từ đầu. Một số thành viên thủy thủ đoàn bị bắt giữ đã thừa nhận thực hiện các lệnh của cấp trên mà họ biết sẽ được Nga coi là khiêu khích.

Ngoài ra, một báo cáo từ Đài phát thanh châu Âu tự do cũng cho biết, tình báo Ukraine (SBU) đã xác nhận sĩ quan của mình nằm trong số các thủy thủ có mặt trên tàu.

Do đó, một câu hỏi được đặt ra là, nếu chuyến hành trình đó không có gì mờ ám thì tại sao tình báo Ukraine lại có liên quan? Cần phải nhớ lại rằng, tình báo của Ukraine trước đó đã bị bắt gặp đang dàn dựng các hoạt động phá hoại ở Crimea.

Gây hấn từ trước

Báo Nga: Phương Tây bênh vực mù quáng, Ukraine mới được nước lộng hành - Ảnh 1.

Ukraine đang kỳ vọng sẽ trở thành người một nhà với NATO.

Cũng theo nhà phân tích Cunningham, một yếu tố quan trọng khác khiến Nga phải mạnh tay như vậy là sự gia tăng quân sự của NATO ở miền Đông Ukraine và Biển Đen.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức khai trương cây cầu dài 19km nối liền lục địa của Nga với Crimea hồi tháng 5 năm nay, đã có những lời kêu gọi ở Mỹ và các phương tiện truyền thông Ukraine tiến hành phá hủy công trình này.

Ngay sau đó, Moscow đã có các biện pháp tăng cường kiểm soát an ninh xung quanh cơ sở hạ tầng quan trọng trị giá 3,7 tỷ USD và là cây cầu dài nhất ở châu Âu.

Trong những tháng gần đây, Mỹ và Anh đã ra lệnh tăng cường triển khai quân sự cho khu vực dưới vỏ bọc "đào tạo" và "hỗ trợ" cho lực lượng chính quyền Kiev.

Đầu năm nay, vào tháng 7, liên minh NATO đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân cùng với các lực lượng Ukraine ở Biển Đen. Mặc dù thực tế là Ukraine không phải là thành viên của NATO, nhưng quốc gia này đang có tham vọng tham gia vào hiệp ước phòng thủ do Mỹ dẫn đầu.

Tiếp tục trong tháng 9, NATO đã cung cấp hai tàu cho hải quân Ukraine triển khai tại Biển Azov. Một ấn phẩm liên quan đến Lầu Năm Góc mô tả rằng sự cung cấp này là một phần của nỗ lực của Washington và Kiev để tranh giành ảnh hưởng với lực lượng Nga.

Chỉ bốn ngày trước khi cuộc đụng độ xảy ra, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố Hải quân Hoàng gia đã gửi tàu HMS Echo để tuần tra với lực lượng đặc biệt Ukraine để "bảo vệ tự do và dân chủ". Ông Williamson nói: "Chừng nào Ukraine phải đối mặt với sự thù địch của Nga, Vương quốc Anh sẽ là một đối tác kiên định".

Cây bút Cunningham cho rằng, đây mới là nền tảng cho những căng thẳng sôi nổi ở Biển Đen giữa Ukraine và Nga. Tình hình đã phát sinh do sự can thiệp của phương Tây ở Ukraine - chủ yếu là cuộc đảo chính ở Kiev vào tháng 2/2014.

Tuy nhiên, trong tất cả các cuộc thảo luận về các sự kiện kể từ đó, các cường quốc phương Tây đang phủ nhận sự thật về những gì mình tham gia.

Sự quân sự hóa gần đây ở Biển Đen của liên minh NATO là một sự khiêu khích rõ rệt đối với an ninh quốc gia của Nga, nhưng một lần nữa các cường quốc phương Tây vẫn chối bỏ điều này.

Với sự ủng hộ gần như tuyệt đối của Mỹ, Châu Âu và NATO, sẽ không đáng ngạc nhiên khi chính quyền Kiev - với sự thù địch từ lâu với Nga - cảm thấy được khuyến khích để kích động một cuộc đối đầu vũ trang với Moscow.

Một thảm họa chiến tranh toàn diện luôn là một nguy cơ nghiêm trọng khi các cường quốc phương Tây tiếp tục ủng hộ Ukraine một cách bất cần như vậy, chuyên gia Cunningham kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại