Cụ thể, ông Pompeo đã tuyên bố như sau:
"Không có giải pháp quân sự nào cả. Chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi phản đối đòn tấn công quân sự của phe Tướng Khalifa Haftar, và đã kêu gọi họ [phe Benghazi] lập tức chấm dứt các chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô của Libya".
Tuy nhiên theo cây viết Benley, thì phát biểu trên của ông Pompeo có điều gì đó... không đúng.
Từng tốt nghiệp từ học viện quân sự West Point và đảm nhận vị trí Giám đốc cơ quan tình báo CIA trước khi được Tổng thống Trump lựa chọn làm Ngoại trưởng Mỹ, ông Pompeo nổi tiếng trên chính trường là một quan chức có quan điểm "diều hâu", hiếu chiến, đặc biệt là về các vấn đề liên quan tới Iran và Triều Tiên.
Theo Benley, nếu Mỹ thực sự muốn có giải pháp hòa bình ở Libya thì đây sẽ là bước ngoặt cực lớn trong chính sách đối ngoại của nước này. Tuy nhiên, những chính sách từ các đời Tổng thống tiền nhiệm cho thấy ý đồ của Mỹ không hề đơn giản như vậy.
Theo tác giả này, Libya là một minh chứng hoàn hảo cho thấy phát ngôn của các lãnh đạo Mỹ và mục đích thực sự của họ khác xa nhau đến mức nào.
Libya lại chìm trong bom đạn và nguy cơ nội chiến đẫm máu. Ảnh: AFP.
Mỹ thường xuyên "nói vậy mà không phải vậy"?
Trong bản Thông điệp Liên bang ngày 28/3/2011, cựu Tổng thống Barack Obama từng vạch ra một kế hoạch nhằm "bảo vệ người dân Libya trước những hiểm nguy trước mắt, và thiết lập một vùng cấm bay", đồng thời ông cũng khẳng định rằng "mở rộng chiến dịch quân sự để thúc đẩy thay đổi chính quyền [ở Libya] sẽ là một sai lầm".
Trong phiên điều trần của Thượng viện, ông James Steinberg, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng đã nhấn mạnh: "Tổng thống Obama đã khẳng định rằng chiến dịch quân sự của Mỹ có quy mô nhiệm vụ khá hẹp, trong đó không bao gồm thay đổi chính quyền".
Tuy nhiên, trong vài tháng sau đó, phía Mỹ được cho là đã hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở Libya 25 triệu USD, đồng thời cho phép đưa các vũ khí tiên tiến vào nước này thông qua Ai Cập và Qatar, theo bài viết được đăng trên báo RT.
Các tàu chiến của NATO đồn trú trên biển Địa Trung Hải để thực thi lệnh cấm vận vũ khí theo Mục 9 của Nghị quyết 1970 đã thả đi một chiếc tàu kéo của lực lượng nổi dậy, trên đó có những loại khí tài nhỏ, đạn pháo 105mm và "rất nhiều vật liệu nổ", tác giả Benley viết.
Tiếp đó, vào cái ngày mà Phó Đô đốc William Gortney, người đứng đầu Bộ tham mưu liên quân Mỹ, "bảo đảm" với báo chí rằng vị lãnh đạo của Libya khi ấy - ông Muammar Gaddafi - "không
nằm trong danh sách các mục tiêu bị nhắm tới", thì dinh Tổng thống Libya lại bị đánh bom.
Và cuối cùng là câu chốt của bà Hillary Clinton - khi ấy còn là Ngoại trưởng Mỹ: "Chúng tôi đã tới, chúng tôi đã chứng kiến, và ông ấy đã chết". Cây viết của RT cho rằng đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Washington nhắm tới mục đích thay đổi chế độ tại Libya ngay từ đầu.
Nhờ sự "giúp đỡ" của Mỹ, một quốc gia từng ổn định và thịnh vượng đã chìm sâu vào bất ổn, trở thành sân chơi của các lực lượng cực đoan và thậm chí tình trạng ấy còn lây lan sang toàn khu vực. Thực tế, tính đến nay, Libya đã là một nhà nước thất bại trong 8 năm trời.
Lực lượng dân quân thuộc phe chính phủ Tripoli chuẩn bị tiến về tiền tuyến. Ảnh: EPA-EFE/Stringer
Libya không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Theo cây viết của RT, một mặt Mỹ thúc đẩy hòa bình "trên giấy tờ" ở Yemen và Syria, nhưng trong thực tế họ vẫn tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Damascus, và xuất khẩu loại vũ khí giết chết những người dân thường trong cuộc chiến kéo dài ở Yemen do Ả Rập Saudi dẫn đầu.
Đối với Venezuela, thì lập trường của Mỹ rõ ràng hơn, nhưng không phải điều gì cũng được tuyên bố trước công chúng bằng lời nói. Trong lúc căng thẳng leo thang, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng vô ý cố tình để lộ tờ giấy nhớ màu vàng cùng dòng chữ viết tay "5.000 binh sĩ [Mỹ] tới Colombia]" trước ống kính của các phóng viên.
Đừng nghe lời Mỹ nói, hãy xem những việc Mỹ làm
Trở lại với Libya, có một chi tiết khá thú vị về câu chuyện phía sau Tướng Haftar.
Tướng Haftar đã được cấp quốc tịch Mỹ trước khi trở về quê hương và tham gia chiến dịch lật đổ chế độ Gaddafi. Tuy nhiên, chuyện không chỉ đơn giản như vậy.
Tác giả Benley cho biết Tướng Haftar được cho là đã hoạt động cho CIA và từng được nhánh bán quân sự của cơ quan này huấn luyện chiến đấu trong chiến tranh du kích. Washington đã cứu Haftar khỏi một nhà tù ở Chad sau khi ông ta bị ông Gaddafi "bỏ rơi" vào năm 1987. Tháng 3/1996, Haftar đã tham gia cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Gaddafi.
Tuy nhiên, không chỉ quan hệ với Mỹ, mà Tướng Haftar cũng cố gắng thiết lập quan hệ với Nga. Ông ta đã tới Moskva và gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu vài lần.
Nếu Haftar đã quyết, thì ông ta có thể điều hành Libya theo cách của riêng mình. Mỹ chỉ đang cố gắng câu giờ để xem nước đi kế tiếp của viên tướng này và của họ sẽ là gì, cây viết của RT bình luận.
Tuy nhiên, thời điểm phe Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Haftar tấn công vào thủ đô Tripoli - chỉ vài ngày trước một hội nghị lớn do Liên Hợp Quốc (LHQ) chủ trì - có thể cho thấy Haftar đã nhận được chỉ đạo từ phía Mỹ để ngăn chặn các nỗ lực của châu Âu và quốc tế. Mục đích của việc này là để chứng minh ai mới thực sự là người nắm quyền, để hù dọa người châu Âu và trừng phạt EU vì đã định vượt khỏi vòng kiểm soát của Mỹ.
Dù mục đích thực sự của Mỹ là gì, thì tuyên bố của ông Pompeo cũng nên được xem xét một cách thận trọng. Ông Pompeo không phải là người chuộng hòa bình, và Mỹ cũng chưa từng ngần ngại khi đưa ra các mệnh lệnh bí mật nhằm thúc đẩy lợi ích chiến lược của mình, cho dù điều đó đi ngược lại với các mục tiêu họ từng tuyên bố công khai trước đó, cây viết của RT kết luận.
* Nội dung trên được lược dịch từ bài bình luận của tác giả Alex Benley, được đăng tải trên báo RT (Nga) và thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.