Không thể tập kích
Tuyên bố trên được viên sĩ quan cấp cao Nga đưa ra sau khi nhóm khủng bố IS thừa nhận thực hiện cuộc tấn công liều chết ngay bên ngoài căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria. Tại căn cứ chiến lược này, Nga đã triển khai hệ thống phòng vệ nhiều tầng bằng những vũ khí hiện đại và những người lính tinh nhuệ nhất.
Vì vậy, quân khủng bố hay bất cứ thế lực nào bên ngoài cũng không thể thực hiện đòn tập kích, chúng chỉ có thể tấn công liều chết - cách tấn công rất khó có thể ngăn chặn triệt để không chỉ với Nga và cả Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào từng hứng chịu những đòn tấn công tương tự đều phải thừa nhận.
Thừa nhận của vị tướng Nga được đưa ra ngay sau khi IS công khai thừa nhận tiến hành vụ tấn công liều chết bằng bom ở bên ngoài căn cứ Tartus khiến 2 binh sĩ thiệt mạng hôm 1/1.
Trong một tuyên bố trực tuyến, IS cho hay 2 thành viên của nhóm này đã thực hiện vụ tấn công bằng cách kích nổ bom xe. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu rõ thủ phạm có phải là những kẻ đánh bom liều chết hay không.
Chiến hạm Nga tại căn cứ hải quân Tartus
Căn cứ hải quân Nga ở cảng Tartus nằm ở phía tây tỉnh Latakia được coi là địa điểm khá nhạy cảm và khu vực xung quanh Tartus không hẳn đã tuyệt đối an toàn bởi các nhân viên quân sự và xe cộ trên con đường cao tốc Safita chạy qua cổng căn cứ có thể biến thành mục tiêu của các vụ đánh bom.
Ngày 5/9/2016, cũng đã có một vụ khủng bố đánh bom kép liều chết vào khu vực cổng chính của quân cảng Tartous, nằm gần chân cầu al-Arzunah, trên đường cao tốc Safita.
Được biết, đây là một vụ đánh bom kép, các phần tử khủng bố đã lao một chiếc xe xe đầy bom ở khu vực ngoài cổng căn cứ, sau đó, một kẻ đánh bom tự sát đã kích nổ quả bom thứ 2 khi trà trộn vào dòng người cứu hộ những người bị thương từ vụ đánh bom đầu tiên.
Hai vụ đánh bom liên tiếp đã làm ít nhất 38 người thiệt mạng và 50 người bị thương, hàng loạt xe hơi và xe tải trên đường cao tốc đã bị phá hủy. Trước đó, vào ngày 23/5/2016, căn cứ hải quân Tartus cũng đã bị uy hiếp khi xảy ra một vụ đánh bom khủng bố liên hoàn ở khu vực dân cư gần đó.
Đã có ít nhất 3 vụ nổ liên tiếp trong ngày 23/5 nhằm vào khu vực dân cư ở gần căn cứ Tartus, khiến ít nhất 48 người được xác nhận đã thiệt mạng. Mô hình đánh bom cũng tương tự như các vụ vừa qua, đầu tiên là đánh bom xe, tiếp theo là đánh bom tự sát vào đám đông người cứu nạn.
Mối đe dọa với Mỹ
Cùng với căn cứ không quân Hmeymim, căn cứ Tartus "giúp Nga tăng cường chính sách đối ngoại và quốc phòng, vô hiệu hóa các mối đe dọa", Tổng Biên tập tạp chí National Defense, Igor Korochenko nhận định.
"Nếu các tàu chiến và tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Kalibr được đặt tại Tartus, Moscow có thể dễ dàng kiểm soát tình hình ở Trung Đông và Địa Trung Hải. Điều đó cũng đặc biệt quan trọng khi đối phó với một NATO ngày càng quyết đoán", ông Korochenko nói.
Vị chuyên gia cho biết thêm, Washington sẽ không hài lòng với những động thái này của Nga gần đây ở căn cứ này bởi Tartus sẽ làm quan hệ vốn căng thẳng giữa Moscow và Washington ngày càng leo thang.
Theo George Messi, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu Quan hệ Quốc tế tại đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ ở Beirut, Lebanon, chính quyền tiếp theo của Mỹ sẽ cố gắng kiềm chế, làm suy yếu ảnh hưởng của Nga tại khu vực Trung Đông.
"Người Mỹ phải hiểu, bây giờ không phải những năm 90 của thế kỷ trước. Nga đã mạnh hơn rất nhiều. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phải chấp nhận, Moscow đã tạo ra một đối trọng chính trị và quân sự mới", ông Messi nhận định.
Ông này cũng chỉ ra lý do vì sao các nhà hoạch định chính sách Mỹ luôn thận trọng với căn cứ Tartus của Nga tại Syria, bởi căn cứ này ở gần căn cứ không quân Incirlik của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
"Mỹ phản đối căn cứ Nga tại Tartus bởi nó nằm rất gần với căn cứ Incirlik. Về mặt chiến lược và quân sự, căn cứ này đặc biệt nguy hiểm với Mỹ và Israel.
Thêm vào đó, hệ thống phòng thủ S-300 đã được triển khai tại Syria cũng là mối đe dọa tiềm tàng với Mỹ. Tôi nghĩ, Mỹ sẽ suy nghĩ rất thấu đáo và cẩn trọng trước khi đưa ra hành động cụ thể", ông Messi nói.