Cũng theo Vestnik, các sự kiện gần đây đã cho thấy rằng Quân đội Syria (SAA) gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc bảo vệ đội hình tấn công của bộ binh trước các cuộc tập kích bằng đường không, cụ thể hơn ở đây là UAV vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại để đối phó với các cuộc tấn công từ UAV Thổ Nhĩ Kỳ, phòng không Syria đã phải dùng tới tất cả những gì họ có từ những "lão tướng" như 9K35 Strela-10 và 9K33 Osa cho đến Buk-M1/M2, Pantsir-S1 và Pechora-2M.
Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Syria. Ảnh: topwar.ru.
Trong số các hệ thống này, 9K35 Strela-10 được xem là tổ hợp phù hợp nhất để hành quân cơ động theo đội hình bộ binh, tuy nhiên SAA lại thiếu Strela-10 để có thể làm được điều này. Mặt khác tầm tác chiến của Strela-10 lại khá hạn chế và chỉ có thể bắn được các mục tiêu bay ở độ cao 3.500m trở xuống.
Còn 9K33 Osa dù có tầm bắn tốt hơn Strela-10 thì lại không hiểu quả trong việc chống UAV, nhất là các UAV cỡ nhỏ.
Trong khi đó, các hệ thống phòng không như Buk-M1/M2, Pantsir-S1 và Pechora-2M thường được sử dụng để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của Syria và không phù hợp để di chuyển cùng với đội hình bộ binh trên chiến trường.
Bởi vậy, theo ý kiến của các chuyên gia Nga, để có thể giải được bài toán phòng không cho đội hình tấn công của bộ binh Quân đội Syria có thể học tập kinh nghiệm chống UAV và tập kích đường không từ một số cuộc xung đột trong khu vực những năm gần đây, mà hình mẫu cụ thể nhất chính là Nội chiến Yemen.
Với xuất phát điểm gần như là con số "không", phiến quân Houthi ở Yemen vẫn có thể tạo ra các hệ thống phòng không nguy hiểm bằng cách kết hợp xe bán tải với những quả đạn tên lửa không đối không R-73 hoặc R-27T. Các hệ thống này đã không ít lần bắn hạ những chiếc UAV và trực thăng tấn công hiện đại của Saudi Arabia trên chiến trường.
Thậm chí, phiến quân Houthi còn nâng cấp các hệ thống phòng không tự chế của mình với các khối quang điện tử có thể phát hiện, theo dõi và bắt bám mục tiêu không thua kém các hệ thống phòng không hiện đại.
Hệ thống phòng không tự chế trên xe bán tải của phiến quân Houthi với các tên lửa không đối không R-73. Ảnh: topwar.ru.
Từ bài học ở Yemen, phòng không Syria hoàn toàn có thể tự chế tạo cho mình các hệ thống phòng không tương tự thậm chí là tốt hơn với điều kiện mà họ có hiện tại, và các hệ thống này hoàn toàn có thể cơ động di chuyển theo đội hình bộ binh khi được đặt trên các khung gầm xe tải đặc chủng.
Cũng cần phải nhắc lại rằng Quân đội Syria trước đây cũng từng nghiên cứu phát triển các hệ thống phòng không tương tự như những gì phiến quân Houthi đang làm ở Yemen, và điều bây giờ họ cần làm là hiện thực hóa các ý tưởng này.
Nếu làm được điều này, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn Quân đội Syria sẽ được bổ sung thêm hàng chục hệ thống phòng không mới có thể chống lại được các cuộc tấn công của UAV Thổ Nhĩ Kỳ ngay trên chiến trường.
Phòng không Syria khai hỏa tên lửa BUK-M2 đánh chặn UAV Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn Saraqib.