Báo Nga: Các kíp lái T-72B3, BMPT-72 và TOS-1A chuẩn bị "ngồi chơi xơi nước" vì lý do này?

Hoài Giang |

Mới đây tờ Topwar đã đăng tải bài viết của nhà phân tích Ryabov Kirill về một chương trình vũ khí tham vọng của Nga liên quan tới loạt khí tài cơ giới hạng nặng.

Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72 và xe bọc thép chở quân BTR-82 tham chiến ở Ukraine.

Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72 và xe bọc thép chở quân BTR-82 tham chiến ở Ukraine.

Người Nga đã bắt đầu phát triển robot tấn công hạng nặng từ 4 năm trước?

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga hiện đang tiếp tục đề án nghiên cứu tổ hợp robot tấn công hạng nặng đầy hứa hẹn Штурм (Storm/Xung kích). Được biết nguyên mẫu đầu tiên đang được hoàn thành và trong thời gian ngắn sắp tới nó sẽ có thể đi vào thử nghiệm tại nhà máy.

Trong tương lai, chúng ta có thể mong đợi sự xuất hiện của 3 khí tài bọc thép với các trang bị khác nhau, và về lâu dài giải pháp này đều có thể được áp dụng trên tất cả các mẫu khí tài bọc thép mới.

Đề án Storm đã xuất hiện trên báo chí Nga vào tháng 8/2018 và có thông tin cho rằng dự án với 4 nguyên mẫu robot chiến đấu đang được Công ty UralVagonZavod (nhà sản xuất xe tăng T-90) chế tạo.

Các robot được cho là sẽ được đặt trên một khung gầm xe tăng và trang bị các loại vũ khí khác nhau.

1 năm sau - trong chuyến thăm Uralvagonzavod vào tháng 8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã được giới thiệu những phát triển trong chương trình robot tấn công hạng nặng dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72B3 - khá rõ ràng đây là Đề án Storm.

Báo Nga: Các kíp lái T-72B3, BMPT-72 và TOS-1A chuẩn bị ngồi chơi xơi nước vì lý do này? - Ảnh 1.

Khung gầm của MBT T-72 đã được chọn cho Đề án Storm?

Vào tháng 12 cùng năm, Tư lệnh Lục quân Nga, Tướng Oleg Salyukov đã tiết lộ rằng Đề án Storm đang ở giai đoạn phát triển và mục tiêu của nó là tạo ra các tổ hợp robot mới và một hệ thống điều khiển đảm bảo chúng tham gia các hoạt động chung trên chiến trường.

Cuối tháng 5/2021, truyền thông Nga đã chính thức đưa tin về việc Uralvagonzavod chế tạo các nguyên mẫu robot chiến đấu cũng như một trung tâm điều khiển trong Đề án Storm. Điểm đáng lưu ý rằng tất cả các nguyên mẫu đều được xây dựng theo khung gầm tiêu chuẩn của T-72B3.

Vào cuối tháng 8/2021, hợp đồng cung cấp các tổ hợp Storm đầu tiên cho Quân đội Nga đã được ký kết tại Army-2021. Mặc dù chi tiết của thỏa thuận không được nêu rõ tuy nhiên rất có thể đây là các nguyên mẫu đang được xây dựng với mục đích thử nghiệm.

Vào ngày 14/3/2022, RIA Novosti trích dẫn một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết Đề án Storm đã "bước sang một giai đoạn mới".

Nguyên mẫu đầu tiên - biến thể robot của T-72B3 - đã được lên kế hoạch thử nghiệm bắt đầu từ tháng 4/2022. Các thử nghiệm bao gồm vận hành vũ khí là pháo chính 125 mm.

Báo Nga: Các kíp lái T-72B3, BMPT-72 và TOS-1A chuẩn bị ngồi chơi xơi nước vì lý do này? - Ảnh 2.

MBT T-72B3 khai hỏa pháo chính 125 mm trong một cuộc tập trận (Nguồn: Topwar).

Mới chỉ là khởi đầu?

Thời gian thử nghiệm biến thể robot tấn công hạng nặng của MBT T-72B3 hiện vẫn là bí mật - cũng như thông tin về các nguyên mẫu tiếp theo của Đề án Storm.

Tuy nhiên căn cứ vào các thông tin được rò rỉ với báo giới, có thể hi vọng rằng sẽ có 4 robot - tất cả đều trên khung gầm T-72B3 và 1 phương tiện chỉ huy nằm trong một giải pháp thống nhất.

Được biết các thành phần chính của khung gầm như động cơ, hệ thống điện, vỏ giáp... sẽ được giữ nguyên - phần được phát triển nằm ở bên trong khoang lái và tháp pháo.

Các khu vực trước đây là vị trí của kíp lái được cho là sẽ được sắp xếp lại để robot hóa - tuy nhiên mức độ tự động hóa của các robot tấn công hạng nặng này chưa rõ ràng - có thể đây sẽ là 1 giải pháp làm giảm số thành viên kíp lái hoặc hoàn toàn tự động.

Về vũ khí, có thể nói nguyên mẫu đang được thử nghiệm được trang bị một khẩu pháo 125 mm - với các đặc điểm tương đồng với pháo 2A46 - tuy nhiên chiều dài nòng pháo sẽ ngắn hơn để cải thiện khả năng cơ động trong khu vực đô thị.

Nguyên mẫu thứ hai được cho là một robot với chức năng hỗ trợ hỏa lực được trang bị một tháp pháo với súng phóng lựu gây cháy RPO-A Shmel - thứ có thể tiêu diệt nhân lực, cơ giới hạng nhẹ hoặc các công sự.

Nguyên mẫu thứ 3 và 4 sẽ tạo ra các robot có các chức năng tương tự xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT-72 "Terminator" và pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A "Buratino".

Báo Nga: Các kíp lái T-72B3, BMPT-72 và TOS-1A chuẩn bị ngồi chơi xơi nước vì lý do này? - Ảnh 3.

Pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A (Nguồn: Topwar).

Kết luận

Đề án Storm được cho là sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho Quân đội Nga trên chiến trường.

Đầu tiên, các robot được chế tạo nhằm làm giảm thương vong - chúng sẽ đóng vai trò người lính xung kích, giải quyết tất cả các nhiệm vụ ở tuyến đầu. Việc các khí tài loại này bị phá hủy chắc chắn sẽ không ảnh hưởng tới các nhân lực trong trung tâm điều khiển nằm ngoài vùng chiến sự.

Thứ hai có lẽ liên quan tới cách tiếp cận về thành phần vũ khí. Các robot được trang bị vũ khí tương tự như các khí tài tăng - thiết giáp có người lái nhưng được tùy biến để phù hợp với chiến tranh đô thị. Điều này sẽ mang lại những lợi thế nhất định trong môi trường nói trên.

Là một phần của dự án Shturm, các hệ thống điều khiển từ xa hoặc tự động đang được phát triển.

Có lẽ mục tiêu cuối cùng sẽ có thể giảm sự tham gia của con người xuống mức tối thiểu - người điều khiển sẽ chỉ phải giám sát hoạt động của thiết bị hoặc thậm chí toàn bộ đơn vị và phê duyệt yêu cầu sử dụng vũ khí.

Trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã rất chú trọng đến việc chế tạo và phát triển các hệ thống robot cho quân đội - và rõ ràng là Đề án Storm đang có triển vọng lớn nhất và rất có thể sẽ dẫn tới kết quả mong muốn.

Báo Nga: Các kíp lái T-72B3, BMPT-72 và TOS-1A chuẩn bị ngồi chơi xơi nước vì lý do này? - Ảnh 4.

Robot tấn công Uran-9 của Quân đội Nga (Nguồn: Topwar).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại