Mới đây một số báo quân sự của Nga đã có các bài đánh giá về dự án nghiên cứu nâng cấp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 đang được công nghiệp quốc phòng Việt Nam thực hiện.
Trong các bài viết trên, phía Nga cũng ca ngợi những ưu điểm từ phương án nâng cấp ZSU-23-4 của Việt Nam và có những so sánh với các gói nâng cấp tương đương trên thế giới. Cũng với phương án này Việt Nam đang mang đến một sức mạnh mới cho ZSU-23-4 để nó tác chiến hiệu quả hơn trong môi trường chiến tranh hiện đại.
Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka là loại pháo cao xạ tự hành bọc thép hạng nhẹ, có trang bị radar, do Liên Xô chế tạo; ngoài trang bị cho quân đội Liên Xô, ZSU-23-4 còn được xuất khẩu và viện trợ cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay Quân đội Nhân dân Việt Nam còn đang sử dụng một số lượng tương đối lớn pháo ZSU-23-4, tuy nhiên phiên bản gốc đã lạc hậu, đòi hỏi phải tiến hành hiện đại hóa để đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại.
Hướng hiện đại hóa của Việt Nam
ZSU-23-4 được chế tạo vào đầu thập niên 1960; trong những thập kỷ qua, yêu cầu đối với các hệ thống phòng không đã thay đổi đáng kể, do vậy hệ thống ZSU-23-4 cũng không nằm ngoài quy luật.
Trước hết radar và thiết bị điều khiển bắn của pháo được sử dụng trong các phiên bản đầu tiên hiện đã lạc hậu, khó bám bắt và theo dõi được những mục tiêu hiện nay, dễ bị chế áp điện tử; cùng với đó là tầm bắn của pháo 23mm 2A7 không đủ để đối phó với toàn bộ với phổ các mục tiêu trên không hiện đại.
Trong môi trường chiến tranh hiện đại các tổ hợp vũ khí trên ZSU-23-4 đang dần không đáp ứng được yêu cầu tác chiến của lực lượng phòng không tầm thấp.
Nhận ra những điểm yếu của ZSU-23-4 trong chiến tranh hiện đại, từ lâu ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu, hiện đại hóa loại pháo phòng không lợi hại này. Dẫn đầu là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự với dự án nghiên cứu nâng cấp hệ thống ZSU-23-4, giúp gia tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu của khí tài.
Với dự án nâng cấp trên có thể nói một loại vũ khí mới đã được ra đời dựa trên ZSU-23-4 nguyên bản, có sự thay đổi lớn trong thiết kế và sức mạnh được gia tăng đáng kể. Theo những thông tin được công khai, dự án hiện đại hóa ZSU-23-4 của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển và chưa sẵn sàng cho việc nâng cấp hàng loạt.
Nâng cấp hệ thống điện tử và vũ khí
Hiện nay với yêu cầu cấp thiết trong hiện đại hóa lực lượng phòng không tầm thấp cho Lục quân, công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã có những dự án cải tiến, nâng cấp một số khẩu đội ZSU-23-4. Các dự án này tập trung vào việc thay mới hoặc nâng cấp hệ thống trang thiết bị điện tử và vũ khí trên ZSU-23-4 hiện có.
Ban đầu, ZSU-23-4 được trang bị tổ hợp thiết bị vô tuyến RPK-2M, đây là công nghệ của thập niên 1960 nhưng ở thời điểm hiện nay, thiết bị không đáp ứng yêu cầu thông tin cũng như dễ bị gây nhiễu.
Do đó thiết bị này đã được Việt Nam thay thế bằng một thiết bị liên lạc vô tuyến kỹ thuật số có hiệu suất hoạt động cao hơn.
Phương án tương tự cũng được thực hiện với radar dẫn bắn 1RL33 trên ZSU-23-4 bằng một tổ hợp khí tài quang điện tử 3 kênh gồm cụm camera ngày/đêm và thiết bị đo xa laser dàn nhiệm vụ theo dõi và dẫn bắn, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ tổ hợp bị vô hiệu hóa khi bị tấn công áp chế điện tử.
Phương án nâng cấp tổ hợp ZSU-23-4 do công nghiệp quốc phòng Việt Nam thực hiện. Ảnh: QPVN.
Việc thay thế radar mới cho phép tăng số lượng mục tiêu có thể phát hiện, giảm tính dễ bị tổn thương khi đối phương sử dụng chế áp điện tử và một số tính năng khác.
Để đồng bộ với việc thay thế 1RL33, khối bảng điều khiển vận cho kíp chiến đấu trên ZSU-23-4 cũng được thay thế các màn hình hiển thị đa năng và khối điều khiển có kích thước nhỏ gọn hơn. Toàn bộ hệ thống thông tin nội bộ được thay mới, các thiết bị mới không chỉ cung cấp giao tiếp bằng giọng nói mà còn truyền dữ liệu trực tiếp vào hệ thống máy tính.
Với tổ hợp thiết bị điện tử mới, cho ZSU-23-4 có khả năng giám sát độc lập tình hình trên không, cũng như cung cấp dữ liệu để khai hỏa. Điều khiển hỏa lực được thực hiện ở chế độ tự động hoặc bán tự động.
Khi chiến đấu trong đội hình, các thiết bị kết nối cho phép chỉ huy tập trung; trong trường hợp này, việc theo dõi tình hình và tìm kiếm mục tiêu được thực hiện bởi một radar riêng và việc tính toán, phân phối mục tiêu cho các khẩu đội ZSU-23-4 hoàn toàn tự động, bảo đảm xác xuất tiêu diệt mục tiêu cao nhất.
Cận cảnh khối khí tài quang điện tử 3 kênh (khoanh đỏ) giải pháp then chốt giúp tổ hợp ZSU-23-4 tăng cường sức chiến đấu trong môi trường chiến tranh hiện đại. Ảnh: QPVN.
ZSU-23-4 sử dụng pháo 2A7, cỡ nòng 23 mm, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 2.5 km và độ cao 1.500m. Ở phiên bản hiện đại hóa, độ chính xác của pháo đã được tăng lên đáng kể hờ hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại.
Tuy nhiên chỉ với pháo 2A7, hỏa lực trên ZSU-23-4 sẽ không đủ để tổ chức phòng không có hiệu quả, nhất là hiện nay đối phương sử dụng vũ khí dẫn đường, phóng từ ngoài tầm hỏa lực phòng không.
Chính vì vậy, Việt Nam đang bổ sung thêm cho ZSU-23-4 Shilka các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Strela hoặc Igla gắn trên các bệ phóng ngay sau tháp pháo.
Với sự bổ sung này, phạm vi tác chiến của ZSU-23-4 tăng lên đến 5-6km, độ cao lên tới 3.000-3.500m. Sự kết hợp của tên lửa và pháo tương tự như những tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Nga đang liên tiếp lập công xuất sắc ở Syria, biến nó thành tổ hợp phòng không tấm thấp linh hoạt và nguy hiểm hơn gấp nhiều.
Tất nhiên tổ hợp phòng không của Việt Nam sau nâng cấp không thể nào so sánh được với Pantsir-S1 tối tân do Nga chế tạo, nhưng rõ ràng xu hướng kết hợp pháo phòng không với tên lửa tầm thấp đang ngày càng phổ biến trên thế giới, đáp ứng xuất sắc yêu cầu tác chiến hiện đại.
Các chuyên gia quân sự Nga đánh giá, dự án nâng cấp ZSU-23-4 của Việt Nam không chỉ giúp tăng sức mạnh của tổ hợp này lên gấp bội mà ở góc độ tài chính nó có tính kinh tế gấp nhiều lần so với các gói nâng cấp cùng loại của nước ngoài.
Việc tự lực cánh sinh, với một số tổ hợp ZSU-23-4 đã được hiện đại hóa, hiệu quả của dự án này là rõ ràng; vừa tận dụng được những vũ khí hiện có, tiết kiệm được ngân sách, các đặc tính kỹ chiến thuật đáp ứng yêu cầu đề ra.
Hy vọng trong tương lai gần các tổ hợp "Pantsir-S1 made in Vietnam" này sẽ được trang bị hàng loạt cho các đơn vị phòng không.
Truyền thống giữ tốt dùng bền của QĐND Việt Nam
Từ lâu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được biết đến với cách tiếp cận tiết kiệm, giữ tốt dùng bền đối với vũ khí và trang thiết bị quân sự, cùng với đó là các dự án nâng hiện đại hóa vũ khí do chính đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư Việt Nam thực hiện.
Trước đây, công nghiệp quốc phòng Việt Nam từng có nhiều dự án nâng cấp hiện đại hóa pháo phòng không các loại nhằm tăng khả năng sống sót của loại vũ khí đặc thù này trong chiến tranh hiện đại, và dự án nâng cấp ZSU-23-4 chỉ là một trong số đó.
Có thể trong trung hạn, QĐND Việt Nam sẽ tiếp tục khởi động một dự án hiện đại hóa ZSU-23-4 khác, bảo đảm tổ hợp phòng không này luôn đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại.
Điều này cho thấy, QĐND Việt Nam vẫn chưa vội từ bỏ các hệ thống phòng không đã lạc hậu và sẵn sàng nâng cấp và hiện đại hóa số vũ khí hiện có càng nhiều càng tốt. Cách tiếp cận như vậy là đúng đắn, nhằm tăng cường tiềm lực sức mạnh cho các lực lượng phòng không trong điều kiện ngân sách quốc phòng Việt Nam còn hạn chế.
Hé lộ nhiều vũ khí "made in Việt Nam" của Viện vũ khí, Quân đội Nhân dân Việt Nam