Hình minh họa.
Mới đây, RIA Novosti đăng tải bài phân tích của tác giả Irina Alksnis có nhan đề: "Время расплаты для Эрдогана пришло" (tạm dịch: Thời khắc tính sổ đã đến với (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) Erdogan).
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là phản ứng của Phương Tây đối với các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á trong thời gian gần đây, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Trừng phạt Thổ là "khởi đầu tốt đẹp" dành cho chính quyền Biden?
Tờ báo The New York Times mới đây đã đăng tải một bài phân tích của Robert M. Gates, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ 2006 đến năm 2011 với tiêu đề "Thế giới đầy thách thức. Đâu là cách (ứng cử viên Tổng thống Mỹ) Biden có thể đối mặt".
Trong bài viết, người từng đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng chính sách đối ngoại của Washington sẽ phải thay đổi để phù hợp với các thách thức của thời đại.
Và luận điểm được nhắc tới đầu tiên là người Mỹ phải siết chặt việc gây áp lực - nhưng không phải với các đối thủ địa chính trị (Nga, Trung Quốc, Iran...) như người ta mong đợi mà lại là các đồng minh thân cận nhất.
Ông Gates tập trung vào 2 quốc gia bắt đầu cho phép mình "xé rào" là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Cựu quan chức ủng hộ việc áp đặt trừng phạt với Ankara, chỉ rõ rằng đây là một "khởi đầu tốt đẹp" cho chính quyền của ông Biden trong tương lai.
Từ trái qua: Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Mike Mullen và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Thủy quân lục chiến James Mattis tại Baghdad, Iraq vào năm 2010.
Liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với người đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir và 3 quan chức khác vào tuần trước.
Đây được đánh giá là một "đòn đau" đối với Ankara.
Vấn đề không chỉ ở việc ông Demir là một trong những cộng sự thân cận nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan mà quan trọng hơn, đây là "đòn dưới thắt lưng" vào các tổ hợp công nghiệp - quân sự mà cá nhân ông Erdogan đã bỏ rất nhiều công sức.
Các tổ hợp này đang trong quá trình phát triển, chính vì vậy chúng vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác với phương Tây - đặc biệt là về vấn đề giấy phép sản xuất và linh kiện.
Hệ thống phòng không S-400 được Nga đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè năm 2019.
"Hồi chuông báo tử"
Rõ ràng "hồi chuông báo tử" đối với Ankara đã vang lên từ lâu.
Một hợp đồng xuất khẩu trực thăng vũ trang T129 lớn tới Pakistan đã đứng trên bờ vực sụp đổ - và lý do là do người Mỹ ngăn cấp phép cho động cơ được trang bị trên T129.
Canada cũng đã ngừng cung cấp các hệ thống quang điện được người Thổ sử dụng trên máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2, thứ vũ khí "khét tiếng" trong xung đột gần đây ở Nagorno-Karabakh.
Đức thì bị các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đối với việc sản xuất hàng loạt xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Altay.
Và các biện pháp trừng phạt mà Mỹ mới áp đặt đối với ông Ismail Demir với tư cách là người đứng đầu ngành CNQP Thổ chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các khó khăn của ngành, và cũng bởi vì người Thổ chưa làm tốt việc sản xuất nội địa để thay thế linh kiện nhập khẩu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và một chiếc UAV Bayraktar TB2.
Tệ hơn nữa, S-400 không phải là trở ngại duy nhất trong mối quan hệ của Ankara với Washington và các nước Phương Tây khác. Những năm gần đây, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã có rất nhiều bất đồng và tranh cãi với hầu hết các đối tác của mình.
Ông Robert M. Gates cũng nhắc lại trong bài viết của mình rằng Thổ Nhĩ Kỳ "phải chịu trách nhiệm về các hành động ở Libya , Đông Địa Trung Hải và Syria" vì chúng "mâu thuẫn với lợi ích của các đồng minh NATO khác và làm phức tạp thêm các nỗ lực hòa bình".
Và vấn đề không chỉ nằm ở nội dung của những mâu thuẫn hiện có mà còn ở lập trường trong các tuyên bố của Ankara. Các tuyên bố này thường gây khó chịu - nếu không muốn nói là thô lỗ đối với các đối tác.
Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang không chỉ gây gổ với tất cả mọi người cùng lúc, mà còn khiến một số lãnh đạo thế giới có động cơ cá nhân sâu sắc muốn ông Erdogan biết "где раки зимуют" (dịch nghĩa: nơi tôm càng trú đông*).
Rủi ro cao - hay nói đúng hơn là "con đường diệt vong" trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra trong một thời gian dài. Câu hỏi chỉ là thời điểm nó được "trả lời" một cách nghiêm túc.
Rõ ràng, thời điểm này đã đến - và Phương Tây, gạt những xích mích nội bộ khác sang một bên, đã phát động một cuộc tấn công tổng hợp vào Ankara nhằm trừng phạt họ vì những bước đi đã thực hiện, buộc họ phải tuân lệnh "các đồng minh cao cấp" của mình trong tương lai.
Lúc này, có lẽ đây sẽ là vấn đề lớn nhất đối với ông Erdogan.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào năm 2016.
Về mặt lý thuyết, có thể giả định rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhượng bộ Mỹ về vấn đề S-400, nhưng thực tế là điều này ít có cơ hội xảy ra. Washington không cần những "cuộc tình vụng trộm" - họ cần Ankara đầu hàng vô điều kiện.
Nếu đối với Tây Âu, mong muốn trừng phạt "kẻ hiếu chiến người Thổ" phần lớn do cảm tính (phản ứng trước sự hung hăng và những lời lẽ mạt sát), thì đối với những người theo chủ nghĩa toàn cầu đang quay trở lại Nhà Trắng, đây là vấn đề thuần túy thực dụng và hết sức quan trọng.
Sự thống nhất của Phương Tây với quyền lực tối cao vô điều kiện của Mỹ đang trên đà sụp đổ và họ cần một "con dê tế thần" để đưa mọi thứ trở lại trật tự.
Theo nghĩa này, Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu phù hợp nhất, vì tất cả những đồng minh còn lại có thể đoàn kết chống lại nó - và sau đó sẽ đến lượt những "kẻ nổi dậy" khác.
Không nghi ngờ gì nữa, ông Erdogan nhận thức được "tương lai u ám" này - (kể cả đối với cá nhân ông) và nhận thấy sự vô ích trong việc nhượng bộ Washington.
Điều này được khẳng định qua tuyên bố của ông Ismail Demir rằng trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến các thỏa thuận của nước ông với Nga về S-400.
Nhưng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đủ sức để chống chọi với sức ép dồn dập từ nhiều phía cùng một lúc, một phép thử rất nguy hiểm đối với nền kinh tế quốc gia? Điều này tự động đặt ra câu hỏi về các thế lực địa chính trị mà ông Erdogan có thể "bấu víu" trong cuộc đối đầu với Phương Tây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Ông Putin đã "chìa tay"
Tuần trước, sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bình luận về quan hệ Nga-Thổ trong một cuộc họp báo, dù lưu ý về những bất đồng hiện có nhưng đã đặc tả ông Erdogan là người "giữ lời" và "không vẫy đuôi".
Đồng thời, người đứng đầu Điện Kremlin nói thêm rằng sự thẳng thắn của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia là "một yếu tố có thể dự đoán được".
Rất khó để suy luận những tuyên bố của ông Putin nhằm mục đích nào khác ngoài việc gợi ý ông sẵn sàng "chìa tay" cho ông Erdogan.
Khi chấp nhận mối quan hệ này, Ankara sẽ tiến thêm một bước nữa rời xa Phương Tây và hướng tới tăng cường quan hệ với Nga.
Điều này là "con dao hai lưỡi", cũng sẽ làm giảm khả năng cân bằng giữa lợi ích và theo đuổi một chính sách độc lập giữa các cường quốc của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng không còn cách nào khác. Trong nhiều năm qua, chính sách đối ngoại thiển cận, phớt lờ các cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ như là "một con voi trong cửa hàng đồ sứ". Và bây giờ là lúc họ phải trả giá.
* Theo tác giả A.V. Filippov trong cuốn "Kinh nghiệm từ nguyên từ điển học cụm từ tiếng Nga" (Moscow, 1987), "где раки зимуют" là một cụm từ đe dọa, liên quan tới việc hành quyết ở Nga bằng cách dìm chết - tương đương với "cho đi mò tôm".
Hình minh họa.