Những điểm mâu thuẫn và bất thường trong vụ IL-20 bị bắn hạ ở Syria

Vy Lam |

KQ Israel tuyên bố máy bay của họ đã oanh tạc trước khi chiếc IL-20 bay vào khu vực diễn ra chiến dịch, và khi phòng không Syria khai hỏa tên lửa thì F-16 của Israel đã bay về rồi.

Nga: Israel đã dùng IL-20 làm lá chắn

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đe dọa đáp trả các đợt không kích của Israel nhằm vào Syria trong tương lai, mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lập trường bớt quyết liệt hơn.

Tuyên bố của ông Putin và ông Shoigu được đưa ra sau khi phòng không Syria vô tình bắn nhầm máy bay trinh sát điện tử IL-20 Coot của Nga trên biển Địa Trung Hải. Vào thời điểm đó, phòng không Israel đã khai hỏa tên lửa để đáp trả các máy bay chiến đấu F-16 Israel khi chúng tấn công một số mục tiêu ở tỉnh Latakia.

Ban đầu, Nga đưa thông báo IL-20 mất tích tại Syria vào đầu giờ sáng ngày 18/9 (theo giờ địa phương). Sau đó, mặc dù xác nhận rằng lực lượng Syria đã vô tình bắn hạ chiếc máy bay này bằng tên lửa đất-đối-không SA-5 (S-200) nhưng Moscow đổ lỗi cho Israel, cáo buộc rằng các chiến đấu cơ Israel đã dùng máy bay Nga để làm lá chắn.

Đáp lại, Israel "chia buồn" với Nga về sự cố đáng tiếc, nhưng nhấn mạnh rằng chính quyền Bashar Al Assad, Iran và tổ chức phiến quân Hezbollah mới là những phía cần chịu trách nhiệm cho số phận của chiếc IL-20 và sự hy sinh của 14 thành viên trên máy bay.

"Hôm nay chúng tôi đã thông báo với các cộng sự Israel, và cá nhân tôi đã nói rõ với Thủ tướng Israel Avigdor Lieberman rằng chúng tôi sẽ không để yên cho những hành động tương tự.

Phía Israel đã không đưa ra cảnh báo, nói chính xác hơn là họ chỉ cảnh báo chúng tôi 1 phút trước khi tiến hành vụ tấn công. Họ nói với chúng tôi rằng họ sắp tấn công các cơ sở trên lãnh thổ Syria, và rồi họ tấn công luôn" – ông Shoigu tuyên bố tại cuộc họp báo ở Moscow hôm 18/9.

Tổng thống Putin thì có vẻ trái với ông Shoigu, khi bày tỏ rằng những gì xảy ra là "một chuỗi bi kịch" và bác bỏ hoàn toàn những thuyết âm mưu cho rằng Israel cố tình bắn hạ máy bay IL-20.

"Các phương thức đáp trả sẽ được chỉ đạo để tăng cường an toàn cho quân nhân và các cơ sở tại Syria", ông Putin nói, "Những phương thức này sẽ được công khai".

Những điểm mâu thuẫn và bất thường trong vụ IL-20 bị bắn hạ ở Syria - Ảnh 1.

Máy bay trinh sát IL-20 của Nga. Ảnh: Wiki

Trước đây, Israel từng sử dụng đường dây nóng để cảnh báo Nga về các cuộc tấn công mà nước này sắp tiến hành tại Syria. Trong vụ IL-20, Không quân Israel cho biết họ đã báo trước cho Kremlin về cuộc không kích, nhưng không nói rõ quãng thời gian từ lúc cảnh báo cho tới khi bắn tên lửa đầu tiên vào các mục tiêu ở Latakia là bao lâu.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IAF) đã đưa ra phản ứng chính thức về vụ việc trên Twitter.

Israel xin chia buồn trước sự ra đi của phi hành đoàn trên chiếc máy bay Nga vừa bị hỏa lực phòng không của Syria bắn hạ tối nay. Chúng tôi cho rằng chính quyền Assad phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho vụ việc này. Iran và tổ chức khủng bố Hezbollah cũng không thoát khỏi trách nhiệm.

Đêm qua, các máy bay chiến đấu của IAF đã tấn công một cơ sở của Lực lượng Vũ trang Syria – nơi mà các hệ thống dùng để sản xuất vũ khí sát thương và chính xác sắp được vận chuyển cho tổ chức Hezbollah ở Lebanon, dưới danh nghĩa của Iran.

Những vũ khí này dự tính được sử dụng để tấn công Israel, và tạo ra mối đe dọa "không thể tha thứ được" nhằm vào Israel. IDF và quân đội Nga đã có hệ thống giảm xung đột, do lãnh đạo hai phía thống nhất, và nó đã nhiều lần chứng tỏ được hiệu quả trong những năm gần đây. Vào đêm qua, hệ thống này cũng được Israel sử dụng.

Hỏa lực phòng không diện rộng và thiếu chính xác (từ tên lửa đất-đối-không) của Syria đã khiến máy bay Nga trúng tên lửa và rơi xuống.

Khi Quân đội Syria bắn ra những tên lửa đánh trúng máy bay Nga, các chiến đấu cơ của IAF đã ở trong không phân Israel.

Trong cuộc tấn công [của Israel] nhằm vào mục tiêu tại Latakia, chiếc máy bay (lúc sau bị bắn hạ) của Nga không nằm trong khu vực tiến hành chiến dịch.

Các tổ hợp phòng không của Syria đã khai hỏa một cách bừa bãi, và theo chúng tôi hiểu, thì họ không màng tới việc phải đảm bảo rằng không có máy bay Nga hoạt động trong vùng không phận này.

Mục tiêu của các vụ tấn công do Israel tiến hành được cho là các cơ sở trực thuộc Tổ chức Công nghiệp Công nghệ Syria – nơi có liên quan tới các chương trình vũ khí hóa học và phát triển tên lửa đạn đạo của Syria, cũng như các lợi ích của Iran tại đây.

Israel cho biết, mục tiêu của cuộc tấn công là nhằm ngăn chặn đợt vận chuyển đạn dược cho Hezbollah.

Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc tấn công nhằm vào tổ chức này từ khi cuộc nội chiến tại Syria nổ ra năm 2011. Sau đó, Tel Aviv đã mở rộng quy mô chiến dịch nhắm vào các lực lượng của Iran tại Syria và những tổ chức đồng minh với Tehran.

Latakia cũng là nơi Nga đặt căn cứ không quân Khmeimim và triển khai một số máy bay trinh sát IL-20 tại đây kể từ khi tiến hành chiến dịch chống khủng bố tại Syria năm 2015.

Trong vụ việc vừa xảy ra, chiếc IL-20 đang trên đường quay về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở tỉnh Idlib, đó là giám sát việc thi hành kế hoạch ngừng bắn Nga-Thổ và thu thập thông tin tình báo về các nhóm nổi dậy hoạt động tại đó.

Những điểm mâu thuẫn và bất thường trong vụ IL-20 bị bắn hạ ở Syria - Ảnh 3.

Bản đồ do Bộ Quốc phòng Nga công bố liên quan đến vụ việc vừa diễn ra. Vòng tròn đỏ-trắng lớn là căn cứ không quân Khmeimim của Nga, phía trên nó có các đường tròn màu xanh - đó là các mục tiêu mà Israel đã tấn công tại Syria.

Thỏa thuận đó đã đẩy lùi những gì mà các chuyên gia và giới quan sát lo ngại về một chiến dịch "đặc biệt hung hãn" do chính quyền Syria tiến hành nhằm tái khẳng định quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tỉnh Idlib.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ [một cách không chính thức] cho các nhóm đối lập với Tổng thống Assad tại Idlib và có thể biến nơi này thành khu vực mở rộng trong danh sách những vùng mà họ đã chiếm giữ ở tây bắc Syria.

"Bất cứ chuyên gia nào cũng thấy rõ rằng cuộc tấn công [của Israel] được thực hiện khi họ dùng chiếc IL-20 của chúng tôi làm lá chắn, bởi họ cho rằng các hệ thống phòng không Syria sẽ không khai hỏa về hướng đó" – ông Shoigu khẳng định trong cuộc họp báo – "Trong lúc triển khai biện pháp đối phó với cuộc tấn công của Israel, phòng không Syria đã bắn hạ chiếc IL-20".

Những điểm mâu thuẫn và bất thường trong vụ IL-20 bị bắn hạ ở Syria - Ảnh 4.

Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đưa ra quan điểm khá trái ngược nhau về vụ IL-20 bị bắn hạ.

Những mâu thuẫn trong tuyên bố của Nga

Song trong bài viết trên trang mạng The Drive (Mỹ), theo nhà phân tích Joseph Trevithick, thông tin phía Nga đưa ra không những không rõ ràng chút nào, mà còn rất khó có khả năng xảy ra.

Ông Trevithick dẫn lại nhận định của chuyên gia Typer Rogoway (cũng trên tờ The Drive) cho rằng, trừ phi Nga và Israel phối hợp tích cực trong chiến dịch này, nếu không thì rất khó để những chiếc F-16 của Israel có thể căn thời gian cho các chuyển động của chúng một cách hoàn hảo đến vậy.

Theo những thông tin đã biết được trước đây thì máy bay của Không quân Israel chưa bao giờ bay vào hẳn lãnh thổ Syria.

Ngoài ra, như ở trên đã đề cập, Không quân Israel tuyên bố máy bay của họ đã tiến hành oanh tạc trước khi chiếc IL-20 bay vào khu vực diễn ra chiến dịch, và khi phòng không Syria khai hỏa tên lửa đất-đối-không thì những chiếc F-16 của Israel đã bay về từ lâu rồi.

Nếu F-16 thả bom đường kính nhỏ (SDB) nhằm vào các mục tiêu như Nga tuyên bố thì sẽ không có lý do gì để chúng tiếp tục ở lại khu vực này sau khi đã thả bom xong.

Chưa hết, trong các chiến dịch tấn công trước đó do Israel và liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành, đã có nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng Syria có thiên hướng khai hỏa các loại vũ khí phòng không một cách bừa bãi trong và sau khi cuộc không kích của đối phương diễn ra, nhằm tạo cơ sở để tuyên bố họ đã hạ gục các mối đe dọa hoặc đẩy lùi kẻ tấn công.

Sau khi Mỹ, Anh và Pháp tiến hành cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu tại Syria hồi tháng 4/2018, các quan chức Nga và Syria tuyên bố hầu hết tên lửa của liên quân đã bị bắn hạ.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ lại cho biết lực lượng vũ trang Syria đã bắn khoảng 40 tên lửa "theo quỹ đạo đạn đạo" và "không được dẫn hướng". Đó là chưa kể tới việc phần lớn các tên lửa đánh chặn chỉ được Syria phóng đi sau khi cuộc tấn công đã kết thúc.

Theo ông Trevithick, đây không phải lần đầu tiên các nguồn tin từ Nga và Syria tìm cách cáo buộc rằng Israel đã lợi dụng những quốc gia thuộc bên thứ 3 để làm lá chắn cho các chiến dịch tấn công của họ. Mục đích là để bao che cho năng lực và kỹ năng hạn chế của kíp vận hành các hệ thống phòng không Syria.

Cuối tháng 4/2018, đã có tin đồn rằng (đến nay chưa có bằng chứng xác thực), các tiêm kích F-15 của Israel đã giả dạng làm máy bay chiến đấu Mỹ để đột nhập vào Syria mà không bị phát hiện.

Khi ấy, cũng rất khó tưởng tượng tại sao Israel – quốc gia đều đặn tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Syria và chấp nhận rủi ro lớn khi làm điều đó, lại cần phải dùng tới mưu kế này.

Cũng cần lưu ý rằng, các cuộc không kích nhằm vào Latakia đêm 17/9 khá bất thường và Israel thường không tổ chức tấn công xa tới tận tây bắc Syria, nhưng đây cũng không phải lần đầu tiên họ bị cáo buộc làm điều đó và có xu hướng nhắm tới một chuỗi mục tiêu cần phải tấn công ngay tức thì.

Trong khi đó, các hệ thống phòng không Nga, với liên kết ở một số phương diện với phòng không Syria, đã hết lần này qua lần khác "không thể" hoặc "không sẵn sàng" khai hỏa vào các máy bay chiến đấu Israel.

Ngoài ra, việc vũ khí tấn công ngoài khu vực phòng không được Israel sử dụng trong đợt không kích lần này cũng cho thấy họ không cần thiết phải xâm nhập vào lãnh thổ đối phương rồi "dùng đại" một chiếc máy bay mồi.

Ông Trevithick cho rằng, vụ việc mới lần này đặc biệt khiến Nga bẽ bàng. Kremlin đã nỗ lực nâng cao năng lực phòng không cho Syria, và nhiều lần tuyên bố chiến thắng toàn diện tại quốc gia này bất chấp các cuộc tấn công liên tục nhằm vào lực lượng của họ tại đây.

Theo vị chuyên gia, Kremlin đã đưa ra phản ứng khá mềm yếu trước thiệt hại của chiếc IL-20. Trước đây cũng tương tự. Năm 2015, Nga từng đe dọa tấn công lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và cắt đứt quan hệ với giới chức Ankara sau khi chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-24 Fencer của Nga khi nó bay dọc biên giới Thổ-Syria.

Nhưng như đã thấy, Nga không biến những lời đe dọa này thành hiện thực và giờ đây hai phía thậm chí còn đang hợp tác trong vấn đề Syria.

Xét tới lập trường mà ông Putin đã đưa ra về vụ IL-20, ông Trevithick nhận định, khó có khả năng Nga sẽ hướng tới một cuộc chiến quy mô lớn hơn, nhưng Moscow vẫn có thể đe dọa sẽ tấn công máy bay Israel trong một số trường hợp nhất định.

Vụ việc lần này một lần nữa cho thấy tình hình tại và xung quanh Syria có thể thay đổi và leo lang tới mức độ làm bùng phát xung đột quy mô lớn hơn trong khu vực với tốc độ nhanh như thế nào.

Chúng ta vẫn cần phải chờ đợi xem phản ứng thực sự của Kremlin sẽ ra sao trước các cuộc không kích của Israel trong tương lai.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Joseph Trevithick

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại