Tờ báo Mỹ cho biết, Việt Nam đang tăng cường trang bị trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Biển Đông, đồng thời muốn giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga bằng cách tìm kiếm sự thay thế từ phía các nhà cung cấp Mỹ và châu Âu.
Thống kê gần đây từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIRPI) cho thấy tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tăng gần 700% so với giai đoạn 2006-2010, đưa Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới trong cùng giai đoạn.
Đồ họa máy bay tiếp dầu KC-46A.
Mark Bobbi - chuyên gia phân tích hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh tại công ty tư vấn IHS (Mỹ) cho biết, quân đội Việt Nam hiện cần máy bay tuần tra biển, chẳng hạn các máy bay P-3C đã qua sử dụng của Lockheed, cũng như các máy bay tiếp dầu trên không mới KC-46 của Boeing.
Một số nhu cầu khác có thể bao gồm máy bay chiến đấu, như chiến đấu cơ F-16 của Lockheed hay F/A-18 Super Hornet của Boeing. Việt Nam cũng có thể quan tâm tới các mẫu trực thăng của Boeing và công ty Sikorsky (trực thuộc tập đoàn Lockheed).
Tiêm kích hạm F/A-18E Super Hornet.
Tàu tác chiến cận bờ USS Freedom (LCS-1)
Cũng theo ông Bobbi, Hà Nội còn quan tâm tới mẫu tàu tác chiến cận bờ (LCS) của Mỹ nhưng ưu tiên tăng cường năng lực không quân trước. Hiện có 2 phiên bản tàu LCS do các tập đoàn Lockheed Martin và General Dynamics chế tạo.
Những giao dịch này sẽ đặt ra thách thức tài chính nhưng ông Bobbi tin rằng nền kinh tế năng động, tăng trưởng cao của Việt Nam sẽ cho phép quân đội trang trải cho đợt nâng cấp lớn.
"Khả năng chi trả không phải là vấn đề lớn đối với Việt Nam và nhiều quốc gia khác, bởi họ đang phát triển mạnh mẽ" - ông Bobbi nói.
Ông Bobbi dự đoán Hà Nội có thể đưa ra các đơn đặt hàng đầu tiên trước cuối năm nay.
Nhà Trắng sẽ phải thông qua Quốc hội Mỹ khi bán một số loại vũ khí nhất định nhưng ông Bobbi tin rằng phần lớn thành viên Quốc hội sẽ ủng hộ các giao dịch vũ khí như trên với Việt Nam.
Nhu cầu mua sắm vũ khí từ châu Á nói chung có thể giúp các công ty Mỹ bù đắp sự sụt giảm các đơn đặt hàng từ Trung Đông khi giá dầu vẫn còn thấp.
Các nhà thầu quốc phòng Mỹ đã nhắm mục tiêu xuất khẩu vũ khí sau khi Lầu Năm Góc bắt đầu cắt giảm quân tại Iraq và Afghanistan.
Lockheed kỳ vọng doanh thu xuất khẩu vũ khí sẽ chiếm 25% đến 30% tổng doanh thu của tập đoàn này trong những năm tới.