Nước cờ đáng chú ý tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông là gì? Trả lời câu hỏi này, đại đa số giới chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung sẽ có chung câu trả lời: thiết lập ADIZ.
Như chúng tôi đã thông tin trong nhiều bài viết trước đây, các hành động trái phép của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam như bồi đắp và cải tạo trái phép hơn 1.000 héc-ta đất, xây dựng đường băng quân sự, đặt radar, điều động máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa, có thể là tiền đề để Bắc Kinh ngang nhiên thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Đọc thêm: Vạch trần "chiêu trò" của TQ khi nhăm nhe thiết lập ADIZ vào đúng thời điểm nhạy cảm
Nhận xét về chuyển biến nói trên trong một bài viết đăng trên tạp chí National Interest (Mỹ), chuyên gia Alexander Vuving cho rằng, việc Trung Quốc thiết lập trái phép ADIZ chỉ là vấn đề thời gian, và Bắc Kinh sẽ chọn thời điểm thích hợp để tối đa hóa những cái lợi cũng như tối thiểu hóa những cái hại của nước cờ này.
Đánh giá của ông Vuving cũng như giới chuyên gia ngày càng được củng cố khi tuần trước, một nguồn tin trong nội bộ Quân đội Trung Quốc (PLA) đã tiết lộ với báo SCMP (Hong Kong) rằng, Bắc Kinh đang rục rịch chuẩn bị thiết lập ADIZ trên Biển Đông
Trong trường hợp Trung Quốc thiết lập trái phép ADIZ trên Biển Đông, câu hỏi đặt ra là: Liệu các bên liên quan sẽ phản ứng ra sao, hay cụ thể hơn, họ sẽ làm thế nào để chặn đứng động thái đầy tính gây hấn này của Bắc Kinh?
Về vấn đề này, ông Vuving đánh giá, các nước nói trên mỗi nước đều sở hữu những con bài chiến lược nhất định, nhưng những con "át chủ bài" mạnh nhất có thể ngăn chặn Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông đang nằm trong tay Việt Nam.
Nhưng trước khi nói đến Việt Nam, hãy cùng điểm qua cách một số nước khác có thể phản ứng.
Mỹ: Nếu so sánh tương quan quân sự, thì rõ ràng Washington là đối trọng mà Bắc Kinh ngại nhất trên Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ không có chủ quyền trên vùng biển này, do đó điều duy nhất họ có thể làm, tương tự như khi Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, là điều chiến đấu cơ và máy bay ném bom tới thách thức.
Động thái này sẽ đem lại những hiệu quả nhất định, nhưng suy cho cùng chỉ mang tính phản đối, chứ không có tác dụng ngăn chặn.
Philippines: Theo chuyên gia Vuving, Manila hiện đang có rất ít lựa chọn, khi mà những con bài hiệu quả nhất của họ hầu hết đã được tung ra, trong đó có việc kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài PCA, cũng như cho phép Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự.
Nếu Bắc Kinh thiết lập ADIZ, thì Philippines nhiều khả năng sẽ "nâng cấp" Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) giữa hai nước lên một nấc, và cho phép Mỹ sử dụng thêm 3 căn cứ khác, trong đó căn cứ hải quân San Miguel gần Bãi cạn Scarborough sẽ giúp Mỹ cải thiện đáng kể tốc độ phản ứng trước biến cố trên Biển Đông.
Sơ đồ căn cứ hải quân San Miguel của Philippines. Ảnh: WikiMedia
Malaysia: Ông Vuving cho rằng Malaysia có thể học theo Philippines, kiện Trung Quốc ra tòa, cũng như cho phép Mỹ sử dụng căn cứ Labuan và Bintulu ở phía nam để ứng phó với các động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tất cả những phương án trên đều có tác dụng nhất định trong việc ngăn chặn Trung Quốc thiết lập ADIZ, song theo chuyên gia Vuving, với vị trí chiến lược của cảng Cam Ranh, thì Việt Nam mới là nước có thể khiến Trung Quốc "chùn tay" nhất trong số các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
"Ngoài ra, với sự cứng rắn đã thể hiện từ trước đến nay đối với sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam có thể gây áp lực rất lớn lên Bắc Kinh nếu nước này quyết định đưa người láng giềng phương Bắc ra tòa" - ông Vuving nhận xét.
Chuyên gia này cũng dẫn lại phát biểu trong bài trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân của Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong đó tướng Vịnh nhấn mạnh ADIZ do Trung Quốc thiết lập trên Biển Đông thậm chí còn "nguy hiểm hơn Đường chín đoạn".
Dĩ độc trị độc - tự thiết lập ADIZ?
Cũng theo ông Vuving, các nước Philippines, Malaysia, và Việt Nam cũng có thể thiết lập ADIZ của riêng mình để đối chọi lại Trung Quốc.
Trong đó, chuyên gia này nhấn mạnh, trong khi ADIZ của Malaysia và Philippines có lẽ sẽ không khiến Bắc Kinh phải lo ngại, thì ADIZ do Việt Nam thiết lập sẽ buộc Trung Quốc phải xem lại quyết định của mình.
Việt Nam có chủ quyền hợp pháp và không thể chối cãi trên quần đảo Hoàng Sa, nhưng kể từ năm 1974, Trung Quốc vẫn ngang ngược phủ nhận điều đó và chiếm đóng phi pháp. Nhưng với việc thiết lập ADIZ trên Hoàng Sa, ông Vuving cho rằng đây sẽ là một tiền đề pháp lý để Việt Nam thực thi những tuyên bố chủ quyền hợp pháp của mình trên quần đảo này.
Chuyên gia Vuving: Việt Nam có thể thiết lập ADIZ trên Hoàng Sa để ngăn cản Trung Quốc. Ảnh: WikiMedia
Tóm lại, theo chuyên gia này, cái cách mà các bên liên quan phản ứng sẽ đóng vai trò quyết định đối với việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Mỗi bên đều sở hữu những con bài chiến lược của riêng mình, nhưng những con "át chủ bài" đang nằm trong tay Việt Nam.
"Dù diễn biến có thế nào, thì những lựa chọn của Hà Nội cũng có khả năng thay đổi những quyết định được đưa ra ở Bắc Kinh" - ông Vuving kết luận.