Theo John Sackton, các nhà chế biến tôm trong nước đã cố gắng làm suy yếu niềm tin của người mua đối với tôm nhập khẩu bằng cách lặp lại các cáo buộc sai lệch về việc thiếu kiểm tra và sự hiện diện cao của kháng sinh trong tôm nhập khẩu.
"Tuần này chúng tôi có một câu chuyện về nghị sĩ Darin LaHood từ bang Illinois, người đã gửi thư cho Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, kêu gọi khởi xướng công khai chống lại Minh Phú (Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú của " vua tôm Việt" Lê Văn Quang - PV). Khiếu nại này cáo buộc rằng Minh Phú, một trong những công ty tôm lớn nhất Việt Nam, đang nhập khẩu tôm chịu thuế từ Ấn Độ và sau đó bán lại tôm đó cho Mỹ dưới dạng sản phẩm của Việt Nam được miễn thuế"- bài báo viết.
John Sackton cho rằng những loại thư này không xuất hiện ngẫu nhiên và theo quan điểm của ông, khiếu nại này rõ ràng có nguồn gốc từ một đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh tôm.
Cáo buộc nói rằng Ấn Độ đang xuất khẩu thêm tôm sang Việt Nam. Đây là sự thật. Các nhà chế biến tôm Việt Nam trong nhiều năm đã không thể bảo đảm tất cả nguyên liệu thô từ Việt Nam khi mở rộng xuất khẩu tôm sang các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như Mỹ. Mỹ chiếm từ 21%-26% thị phần xuất khẩu tôm Việt Nam nhưng Nhật Bản mới là thị trường lớn nhất, tiếp theo là Hàn Quốc. Cho đến năm 2019, tỷ lệ tôm Việt Nam sang Mỹ đã giảm (7,3% trong 4 tháng đầu năm) trong khi xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ trong thời gian trên đã tăng 14,4%.
Các nhà nhập khẩu Mỹ biết rằng việc hiểu dữ liệu thương mại có thể phức tạp và có nhiều quy tắc chỉ ra cách áp dụng nhãn hiệu xuất xứ. Tuy nhiên, không có gì trong số liệu thống kê thương mại cho thấy rằng việc tăng mua tôm Ấn Độ có nghĩa là tôm Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ.
Bức thư cũng cáo buộc rằng sau khi Minh Phú nhận được phân bổ thuế bằng 0, các chuyến hàng của họ đến Mỹ tăng lên. Điều tương tự với Công ty Guilian ở Trung Quốc, nơi cũng được hưởng mức thuế suất 0% trong nhiều năm.
"Vấn đề lớn hơn là các cuộc điều tra chống bán phá giá và thuế đã làm tổn thương ngành thủy sản Mỹ. Họ đã làm cho tất cả các loại thủy sản bao gồm tôm đắt hơn với người tiêu dùng Mỹ. Đây là ngành phụ thuộc vào thương mại quốc tế hơn nhiều so với bất kỳ ngành công nghiệp protein nào khác vì sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 10%.
Những hành động khiến thương mại trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực chính trị đối với các quyết định kinh tế nên bị tất cả các nhà nhập khẩu Mỹ phản đối mạnh mẽ" – bài báo nhấn mạnh.
John Sackton hy vọng cáo buộc của nghị sĩ Darin LaHood sẽ không đi xa hơn. Vì nếu nó mở đường cho các cuộc điều tra và phản điều tra sẽ không có lợi cho bất cứ ai trong ngành tôm.
Mỹ là thị trường quan trọng ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra. Cả 2 mặt hàng đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá khiến nhiều doanh nghiệp Việt phải bỏ thị trường. Hiện có rất ít doanh nghiệp (như Minh Phú ngành tôm, Vĩnh Hoàn, Biển Đông chuyên cá tra chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhờ thắng kiện được bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá hoặc chịu thuế 0%).