Báo Mỹ: Vì đâu người Việt ngày càng uống nhiều bia?

Quang Huy |

Sự phát triển của kinh tế vỉa hè, gia tăng số lượng quán cà phê đường phố, văn hóa thưởng thức, giải trí của thanh thiếu niên, dân số trẻ chiếm đa số và tầng lớp trung lưu tăng mạnh là những đòn bẩy cho thị trường bia ở Việt Nam.

Lúc 9h40 sáng nay, trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn, cổ phiếu SAB đã đạt mức giá 132.000 đồng/đơn vị. Mức giá này đưa vốn hóa thị trường của Sabeco đạt 3,7 tỷ USD, biến công ty Bia Sài Gòn trở thành doanh nghiệp hàng tiêu dùng có có thị giá lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau Vinamilk và đứng thứ 5 trong tổng số các doanh nghiệp đã niêm yết.

Sabeco, công ty Nhà nước sở hữu thương hiệu bia Sài gòn và bia 333, được biết đến là doanh nghiệp nắm giữ tới 40% thị phần thị trường nước giải khát có cồn trong nước, gấp đôi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong cùng ngành. Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp này ở mức 100% cho năm 2016.

Việc Nhà nước quyết định IPO và đưa Sabeco lên sàn được các nhà quản lý quỹ đầu tư nước ngoài đánh giá là bước đi tích cực để khai thác tốt hơn tiềm năng của doanh nghiệp này, cũng là động thái hiện thực hóa kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

"Việc niêm yết của Sabeco chắc chắn sẽ thành công bởi thị trường đang thực sự thiếu những doanh nghiệp làm ăn thực lực như công ty này", ông Federico Parenti, một nhà quản lý quỹ Milan dựa trên tại Sempione Sim Spa cho biết.

Bảy công ty bao gồm Heineken NV, Anheuser-Busch InBev NV và Asahi Group Holdings Ltd đang xếp hàng chờ mua cổ phần của Sabeco khi Nhà nước thoái vốn khỏi công ty này.

"Việc niêm yết giúp làm tăng giá trị của Sabeco và khiến quá trình quản trị minh bạch hơn", Giám đốc điều hành Sabeco Lê Hồng Xanh từng cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại sở giao dịch chứng khoán. Công ty đang trong quá trình tìm kiếm cố vẫn hỗ trợ việc bán cổ phần, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Lợi nhuận ròng của Sabeco dự tính tăng thêm 10%, đạt 37,6 tỷ USD trong năm 2016, ông Xanh cho biết trong một bài phỏng vấn vào tháng 8/2016. Con số này cao gấp đôi so với kế hoạch ban đầu của công ty.

"Thị trường bia ở Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng, và điều đó sẽ tạo ra động lực chính cho Sabeco", ông Trần Trung, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán ACB viết trong một báo cáo gửi khách hàng vào ngày 29/11.

Theo Bloomberg, sự phát triển của kinh tế vỉa hè, gia tăng số lượng quán cà phê đường phố, văn hóa thưởng thức, giải trí của thanh thiếu niên, dân số trẻ chiếm đa số và tầng lớp trung lưu tăng mạnh là những đòn bẩy cho thị trường bia ở Việt Nam, nơi nhiều công ty nước ngoài đang nhòm ngó.

Euromonitor International dự báo, mức tiêu thụ bia của người Việt trong năm 2016 sẽ tăng khoảng 4,1% lên 4 tỷ lít, đạt cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó, số lượng người Việt trong độ tuổi uống bia rượu (từ 18 tuổi trở lên) sẽ tăng từ 68,7 triệu trong năm nay lên mức 72,4 triệu vào năm 2021, tạo nên thị trường tiêu thụ thực sự hấp dẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại