Chỉ trong vài ngày qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã liên tục chịu đả kích vì nhiều vấn đề, cụ thể là:
1. Thứ 7 tuần trước (16/11), tờ New York Times (NYT) của Mỹ đã tung ra 403 trang tài liệu mật nội bộ về việc thành lập các trung tâm cải tạo cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và hạn chế đạo Hồi giáo ở Tân Cương.
Cộng đồng mạng Trung Quốc sau đó đã vượt tường lửa và đọc được bài báo của NYT, và họ còn khen ngợi vị quan chức đã tiết lộ bản tài liệu mật nói trên.
2. Vào 2 ngày thứ 2 (18/11) và thứ 3 (19/11), Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã lần lượt thông qua dự luận Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, một động thái vừa để ủng hộ những người biểu tình, vừa gửi tới Trung Quốc một lời nhắc nhở.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh cáo nước ngoài cần tránh xa các vấn đề nội bộ của họ, đặc biệt là vấn đề Hong Kong nếu không muốn hứng đòn trả đũa. Tuy nhiên các nhà lập pháp Mỹ vẫn tiếp tục "bỏ ngoài tai" lời đe dọa của Trung Quốc.
3. Và hôm thứ 5 (21/11) vừa qua, đảo Tuvalu nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương đã bất ngờ từ chối lời đề nghị của Trung Quốc về việc giúp đỡ xây dựng các đảo nhân tạo để cứu Tuvalu trước tình trạng nước biển ngày càng dâng cao, đồng thời tuyên bố tiếp tục sát cánh cùng đảo Đài Loan.
Quyết định của Tuvalu đã cho thấy các khoản tiền đầu tư của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã bắt đầu mất đi uy lực và tầm ảnh hưởng.
Người biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: Getty
Những sự việc xảy ra trong tuần qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình tượng của Trung Quốc trên trường quốc tế - hình tượng mà họ đã dày công xây dựng trong nhiều năm qua bằng tiền đầu tư vào các bộ phim Hollywood, mở các trường dạy tiếng Trung trên toàn cầu, và mua bài quảng cáo trên các tờ báo uy tín của phương Tây, theo Business Insider.
Thế nhưng, những phản ứng của Trung Quốc cho thấy nước này dường như không hề bận tâm tới những sự việc được cho là "ảnh hưởng hình tượng" nói trên.
Về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ: Bắc Kinh nói nội dung những tài liệu mật bị rò ri đều "đáng học hỏi"
Sau khi NYT đăng tải bài báo chấn động về 403 trang tài liệu mật kể trên, phía Trung Quốc không xác nhận mà cũng chẳng hề phủ nhận chúng, mà chỉ nói rằng đó là chuyện "bịa đặt", là "sự thông đồng của các thế lực thù địch trong và ngoài nước", đồng thời nói rằng chiến lược của nước này tại Tân Cương đều "đáng học hỏi".
Hơn nữa, theo Business Insider, một điều đáng chú ý là phương Tây và các quốc gia Hồi giáo hầu như không hề có động thái lên án Trung Quốc sau khi NYT tung ra 403 trang tài liệu chấn động về người Duy Ngô Nhĩ.
Vào tháng 10 vừa qua, Mỹ đã liệt 28 công ty Trung Quốc vào danh sách đen, cáo buộc các công ty này giúp chính phủ giám sát và bắt giữ các nhóm thiểu số ở Tân Cương. Tuy nhiên. chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự thay đổi trong các hành động của Trung Quốc. Điều này cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn chưa đạt hiệu quả.
Ông Trump có thể "bỏ rơi" Hong Kong để đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu ông Trump có quyết định thông qua dự luật này hay không, và phía Nhà Trắng cũng không hề đưa ra bất kỳ thông tin nào khác.
Ông Trump vẫn chưa quyết định phê chuẩn dự luật bảo vệ Hong Kong. Ảnh: AP
Thậm chí, trong cuộc phỏng vấn với chương trình Fox & Friends hôm thứ 6 (22/11) vừa qua, ông Trump còn nói về khả năng phủ quyết dự luật Hong Kong để đổi lấy thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Tập.
"Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng ủng hộ ông Tập... Chúng tôi đang trong quá trình đạt được một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử," ông Trump nói.
Trước đây, ông Trump và quan chức trong chính quyền ông cũng từng có một số động thái tương tự để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán thương mại.
Ví dụ, hồi tháng 6, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng hủy một bài phát biểu có nội dung chỉ trích chính sách của Trung Quốc đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ - vào một tuần trước khi hai ông Trump-Tập dự định gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh G20 Nhật Bản; một động thái được cho là nhằm đảo bảo cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra tốt đẹp.
Vào tháng 7, một quan chức Mỹ tại Hong Kong cũng đã buộc phải giảm bớt nội dung chỉ trích trong bài phát biểu của mình vì khi đó Mỹ đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, theo Financial Times.
Trong thời điểm hiện tại, các nhà đàm phán của hai nước cũng đang nỗ lực đạt được thỏa thuận trước hạn chót đánh thuế vào ngày 15/12, và ông Trump sẽ không muốn quá trình này bị ảnh hưởng, nhất là khi cuộc bầu cử năm 2020 đang tới rất gần.
Lời từ chối của những quốc gia nhỏ bé sẽ không thể gây nhiều sát thương cho Trung Quốc
Ngoại trưởng Tuvalu đã thẳng thừng từ chối "món hời" của Trung Quốc: "Chúng tôi xin từ chối. Chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện về nợ nần, và Trung Quốc có thể mua các đảo của chúng tôi để thiết lập căn cứ quân sự trong khu vực. Đó là điều khiến chúng tôi lo lắng".
Mặc dù vậy, việc quốc đảo Tuvalu từ chối lời đề nghị 400 triệu USD đầy hấp dẫn của Trung Quốc và kiên quyết sát cánh cùng Đài Loan có thể sẽ khiến ông Tập mất mặt đôi chút, nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới dự án BRI hay mục tiêu cô lập Đài Loan của Bắc Kinh, theo Business Insider.
Điều ông Kofe đã đề cập tới trong tuyên bố của mình là nỗi lo ngại về chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc - chiến lược giúp Trung Quốc có được những nhượng bộ chính trị từ những "con nợ" của mình.
Thực tế, một số đồng minh của Đài Loan đã lựa chọn "bỏ bạn" để chạy theo những khoản đầu tư thuộc dự án BRI của Trung Quốc.
"Quan hệ ngoại giao của Tuvalu và Đài Loan hiện đang ở mức mạnh mẽ nhất từng có", ông Kofe nói với phóng viên Reuters. "Cùng nhau, chúng tôi có thể chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc Đại lục".
Thế nhưng, Đài Loan hiện chỉ còn 15 đồng minh trên toàn thế giới - hầu hết đều không có uy trên trường quốc tế.
Trong khi đó, dự án BRI của ông Tập vẫn tiếp tục mở rộng thêm, và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ ngừng lại. Trung Quốc đã đẩy mạnh dự án này và ký kết với nhiều đối tác mới nhanh chóng đến mức Mỹ đã quan ngại và phải đưa ra một sáng kiến đầu tư mới nhằm chống lại sự mở rộng của BRI.
Chính sự trỗi dậy nhanh chóng đó đã khiến Trung Quốc "trơ lì" hơn trước những lời chỉ trích của quốc tế. Do đó, nước này có thể sẽ chẳng cần bận tâm tới suy nghĩ của thế giới về mình và vẫn có thể phát triển như thường, Business Insider kết luận.