Bắc Cực đang ngày càng thu hút nhiều sự chú ý hơn từ các cường quốc thế giới, từ đó dẫn tới những căng thẳng gia tăng xung quanh khu vực do cạnh tranh chiến lược và thương mại toàn cầu gây ra.
Theo chuyên gia phân tích Stephen Erlanger, Nga có ảnh hưởng rất lớn tại Bắc Cực và điều này đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ.
“Trong một thời gian dài, các quốc gia miễn cưỡng thảo luận về Bắc Cực như một khu vực có thể xảy ra chiến tranh. Nhưng điều này đang thay đổi nhanh chóng”, tác giả bài viết trên tờ New York Times nói rõ.
Cách đây một thời gian, báo chí đã viết về kế hoạch của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken khi ông đến thăm Thụy Điển và Phần Lan, đồng thời có một bài phát biểu quan trọng tại Helsinki dành riêng cho Nga và Ukraine.
Nhà báo Stephen Erlanger tin rằng chuyến đi nói trên sẽ làm bùng phát căng thẳng vốn đã gia tăng giữa Liên bang Nga và NATO ở Bắc Cực trong thời gian gần đây.
Nga là một cường quốc tại Bắc Cực, với hệ thống căn cứ hải quân và tên lửa hạt nhân dày đặc. Tại Bán đảo Kola, cách không xa Na Uy, một phần đáng kể hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Nga đang được triển khai.
Moskva đặt cược rất nhiều vào Bắc Cực, bởi khu vực này ngày càng trở nên phù hợp hơn cho hoạt động hàng hải và kinh tế, có khả năng mang lại nguồn lợi khổng lồ.
“Liên bang Nga đã nói rằng họ muốn biến Bắc Cực thành của riêng mình - quân khu thứ năm ngang hàng với bốn quân khu còn lại”, theo tờ New York Times.
Sự hiện diện lực lượng quân sự lớn của Nga ở Bắc Cực đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với NATO. Giới lãnh đạo Liên minh lo ngại Hải quân Nga có thể sử dụng tuyến đường biển phương Bắc nhằm khống chế phương Tây.
“Có những lo ngại về việc Hạm đội phương Bắc của Nga có thể đi qua eo biển giữa Greenland, Iceland và Vương quốc Anh - một động thái được NATO gọi là đầy tính đe dọa”, nhà báo Stephen Erlanger kết luận.
Theo New York Times