Phe chính phủ Kiev và lực lượng ly khai ở vùng Donetsk và Luhansk thuộc miền Đông Ukraine đã bị cuốn sâu vào một cuộc xung đột vũ trang nổ ra từ năm 2014, khiến hơn 13.000 người thiệt mạng và 2 triệu người khác mất nhà cửa, học giả Mark Episkopos viết trên tạp chí National Interest của Mỹ.
Gần đây, phía Lầu Năm Góc thông báo rằng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine gói viện trợ trị giá 250 triệu USD, bao gồm các thiết bị quân sự và chương trình huấn luyện dành cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, liệu sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây có đủ để quân đội Ukraine địch lại đòn tấn công của Nga trong một cuộc chiến tranh giả tưởng?
Lực lượng Vũ trang Ukraine đã dấn thân vào cuộc xung đột ở Donbass trong tình trạng "suy yếu", mà theo lời Tướng Ukraine Viktor Muzhenko, thì vào thời điểm đó họ là một "đội quân trong đống đổ nát".
Kiev đã phải đối mặt với hai thách thức chính: thứ nhất là Ukraine đã bán đi hoặc cho ngừng hoạt động một số lượng lớn các khí tài quân sự "có tuổi" từ thời Liên Xô trong những năm 1990, 2000; và thứ hai là việc quân đội Ukraine không những không được huấn luyện tốt, mà tinh thần của họ còn sa sút, hơn nữa lại còn có vấn nạn tham nhũng tràn lan.
Với sự trợ giúp của các cố vấn quân sự Mỹ và NATO, Ukraine đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc giải quyết vấn đề thứ 2 trong vài năm gần đây. Mặc dù vẫn còn nhiều điều cần cải thiện, nhưng quân đội Ukraine đang dần trở nên quy củ hơn theo định hướng một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp tập trung.
Tuy nhiên, con đường hiện đại hóa kho vũ khí của Ukraine lại không được suôn sẻ và thuận lợi như vậy. Cho đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hai gói viện trợ vũ khí cho Ukraine, và dự kiến trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với Tổng thống Mỹ Donald Trump, tân Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cũng sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ viện trợ thêm cho nước này về quân sự.
Quân đội Ukraine. Ảnh: UNIAN.
Ukraine cần gì, muốn gì, và cho đến nay đã nhận được những gì từ phương Tây?
Những con số lớn lao về giá trị của lô vũ khí và những tiêu đề hân hoan chúc mừng Ukraine đã che giấu một thực tế rất đáng lo ngại: đó là viện trợ quân sự của Mỹ đối với Ukraine - xét về mặt chiến thuật và chiến lược - thực chất không đáng kể.
Phần lớn các lô hàng viện trợ quân sự trước đây gồm các lô vũ khí nhỏ, công nghệ chống gây nhiễu điện tử (anti-ECM), và các thiết bị cho binh sĩ như kính nhìn xuyên đêm.
Đây cũng là những loại vũ khí và công cụ quan trọng, nhưng chúng chưa thể đủ để đảm bảo thành công cho Kiev trong chiến dịch chiếm lại các khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Donbass, chứ chưa bàn đến chuyện chống lại một cuộc tấn công quân sự của Nga (giả dụ) ở phía Tây Donbass.
Các chuyên gia đồng tình rằng "nhân vật chính" trong gói viện trợ quân sự 250 triệu USD trước đó của Mỹ dành cho Ukraine - tên lửa chống tăng Javelin, chủ yếu "chỉ mang tính biểu tượng", vì lực lượng ly khai Donetsk và Lunhansk cũng không sử dụng nhiều lớp giáp hạng nặng.
Hiện tại, Quốc hội Mỹ đang có kế hoạch cung cấp cho Ukraine các bệ phóng tên lửa đất đối không di động - chúng thậm chí còn được đánh giá là mang tính biểu tượng hơn nữa, do phe ly khai không có các máy bay chiến đấu, và không quân Nga cũng không thể nào tiến hành các hoạt động quân sự trên không phận Donbass vì họ biết rằng động thái ấy sẽ gây ra cuộc khủng hoảng quốc tế, tăng cơ hội giúp phương Tây can thiệp trực tiếp vào khu vực này.
Mối quan hệ quân sự của Washington và Kiev hiện nay có thể nói là đang trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội": Nếu mục tiêu của gói viện trợ quân sự của Mỹ là thay đổi cán cân lực lượng ở Donbass và cung cấp cho Ukraine sự chuẩn bị sẵn sàng để tự mình chống lại đòn tấn công của Nga - thì Washington sẽ phải thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, một động thái mạnh mẽ như vậy sẽ chỉ càng khiến Nga thêm "điên tiết", và cuối cùng hậu quả mà Ukraine phải gánh chịu sẽ càng tồi tệ hơn nữa. Vì lí do này, nên Ukraine sẽ khó lòng nhận được những gói viện trợ quân sự thực sự mang ý nghĩa chiến lược, như hệ thống tên lửa Patriot mà Kiev muốn mua từ năm ngoái.
Nhưng tất nhiên là quân đội Ukraine vẫn có cách cải thiện tình hình và giành lấy vị thế tốt hơn trong cuộc chiến Donbass trong một thời gian ngắn. Các xe tăng chiến đấu chủ lực của Ukraine như T-84 và T-80 khó sử dụng trong cuộc chiến này, do cuộc xung đột diễn ra trong khu vực nội thành. Nhưng việc thay thế đội hình 800 BMP-2 già cỗi bằng những loại xe bộ binh hạng nặng chiến đấu nhẹ hơn và hiện đại hóa là điều hợp lý.
Ukraine được cho là đang thực hiện các bước đi này bằng việc chuẩn bị đưa xe tăng BMP-1UMD vào biên chế. Đây là phiên bản phát triển của xe tăng BMP-1 của Liên Xô, có bảng điều khiển số hóa, động cơ do Đức sản xuất, và các loại vũ khí được tân trang. Ngoài ra, họ cũng tính đến việc sử dụng một mạng lưới radar phản lực mạnh hơn và các phương tiện vận tải hiện đại nhằm giảm thiểu các tác động của cuộc pháo kích của phe ly khai.
Những gói viện trợ quân sự sắp tới sẽ phản ánh tầm nhìn thực tế hơn của Mỹ về nhu cầu quân sự của Ukraine, nếu như chúng đáp ứng được những mối quan tâm thiết thực của Kiev, thay vì chuyển giao cho họ các bệ phóng tên lửa gần như sẽ không có cơ hội thấy ánh sáng mặt trời, chứ chưa nói đến việc tham chiến ở Donbass.
Tác giả Mark Episkopos là cây viết cộng tác thường xuyên của tờ National Interest. Hiện ông vừa là trợ lý nghiên cứu của Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia (Center for the National Interest) của Mỹ, vừa là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường Đại học Lịch sử Mỹ.