Máy bay không người lái giá rẻ định hình lại chiến trường
Theo Washington Post , vai trò của máy bay không người lái (UAV) là rất quan trọng đối với cả Nga và Ukraine . Giống như súng máy, radar hay tàu ngầm, UAV đã làm thay đổi hoạt động thu thập thông tin tình báo và chiến đấu trong chiến tranh hiện đại.
Ukraine và Nga đã chuyển sang sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) để thu thập thông tin và loại bỏ lực lượng đối phương. Chúng nhanh chóng, chính xác, “có giá dưới 1.000 đô la Mỹ/chiếc và có thể vô hiệu hóa một chiếc xe tăng trị giá hàng triệu đô la”.
Không giống như đạn pháo - vốn là nguồn tài nguyên quý giá cho cả Nga và Ukraine, máy bay không người lái FPV dùng một lần, chi phí thấp có thể được sử dụng để tấn công các nhóm bộ binh nhỏ, được điều hướng trực tiếp vào chiến hào hoặc vào nhóm quân đang di chuyển.
Các bãi mìn rộng lớn của Nga
Cuộc phản công của Ukraine bị đình trệ một phần vì Nga đã dành nhiều tháng đầu năm 2023 để xây dựng hệ thống phòng thủ bao gồm chiến hào và đường hầm phức tạp, hệ thống chống tăng “răng rồng” và các chướng ngại vật khác, bao gồm cả các bãi mìn.
Các quan chức Ukraine cho biết quân đội nước này đã phải vật lộn với những bãi mìn dày đặc của Nga. Đôi khi họ cũng phàn nàn về việc không có đủ thiết bị rà phá bom mìn, và lưu ý rằng họ đang mất đi nhiều trang thiết bị khi tiến vào các vị trí của Nga.
Một chỉ huy người Ukraine “đã tìm thấy bản đồ mà quân đội Nga được cho là đã sử dụng để đánh dấu các bãi mìn của họ. Chỉ một phần của mặt trận - dài khoảng bốn dặm và sâu bốn dặm - hơn 20.000 quả mìn đã được liệt kê”.
Tờ Washington Post dẫn lời Konstantin Yefremov - một cựu sĩ quan Nga cho biết: “Quân đội Nga thiếu nhiều loại vũ khí, nhưng họ có thể bơi trong mìn theo đúng nghĩa đen, họ có hàng triệu quả mìn, cả mìn chống tăng và mìn sát thương.”
Ukraine thiếu sức mạnh không quân
Bài báo của Washington Post nêu bật sự thiếu thốn của Ukraine về sức mạnh không quân. Máy bay chiến đấu thời Liên Xô của họ kém xa so với máy bay chiến đấu của Nga.
Cụ thể, máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine có thể phát hiện mục tiêu trong bán kính 40 dặm và tấn công chúng từ khoảng cách 20 dặm. Trong khi máy bay Su-35 của Nga có thể phát hiện mục tiêu cách xa hơn 90 dặm và tấn công từ khoảng cách xa tới 75 dặm.
Ukraine thường xuyên nhấn mạnh rằng họ “được yêu cầu chiến đấu theo cách mà không một quốc gia NATO nào có thể nghĩ tới, đó là không có ưu thế trên không”.
Bất đồng giữa Ukraine và đồng minh
Tờ Washington Post nhận định “cuộc phản công bắt nguồn tự sự lạc quan đã không tạo được hiệu ứng như mong đợi, làm nhen nhóm sự xích mích và nghi ngờ giữa Kiev và Washington”. Washington và Kiev “có những lúc bất đồng gay gắt về chiến lược, chiến thuật và thời điểm”.
Lầu Năm Góc muốn cuộc tấn công bắt đầu vào giữa tháng 4 và tập trung vào việc cắt đứt “cầu nối trên đất liền” tới Crimea bằng cách tấn công Melitopol. Nhưng thay vì tấn công tập trung vào Melitopol, giới lãnh đạo Ukraine nhất quyết tấn công theo hướng Berdyansk và Bakhmut.
Kiev ban đầu yêu cầu hơn 1.000 xe bọc thép, điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho là “gần như không thể”. Cuối cùng, họ nhận được 1.500 xe. Tuy nhiên, một số phương tiện không thể tham chiến vì trục trặc.
Cuộc phản công dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4 cuối cùng phải đợi đến đầu tháng 6 mới được triển khai. Quân đội Ukraine lập tức sa lầy vào các bãi mìn và bị pháo binh Nga tấn công.
“Các khí tài quân sự của phương Tây bị đốt cháy - xe Bradley của Mỹ, xe tăng Leopard của Đức, xe quét mìn - rải rác khắp chiến trường”, tờ Washington Post viết. Chỉ sau bốn ngày, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ukraine - Tướng Valery Zaluzhny đã “gạt” học thuyết và kế hoạch của Mỹ sang một bên, chuyển sang tấn công bộ binh quy mô nhỏ hơn.
Cuộc họp ngày 15/6 tại trụ sở NATO ở Brussels “nặng nề với không khí thất vọng”. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov - người sau đó bị sa thải vào tháng 9 - thông báo với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin rằng hơn 50% thiết bị rà phá bom mìn do Mỹ cung cấp đã bị phá hủy.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine cho biết sự phụ thuộc của phương Tây vào việc điều động xe bọc thép đã không phát huy tác dụng. Một số người chỉ ra sai lầm trong việc thiếu tính toán về máy bay không người lái và những công nghệ khác.
Tờ Washington Post lưu ý: “Ở hầu hết mọi điểm trên mặt trận, kỳ vọng và kết quả đều khác nhau.” Một quan chức Anh cho biết mục tiêu đòi lại đường biên giới năm 1991 của Kiev sẽ “mất nhiều năm”, nếu điều đó khả thi.
Theo Washington Post